Quyết định nhân văn và táo bạo
TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng thành phố - Trưởng ê kíp phẫu thuật, cho biết, trước khi bắt đầu phẫu thuật, các chuyên gia y tế tham gia ê kíp đã lên phương án chi tiết cho cuộc phẫu thuật bao gồm cả kế hoạch xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong lúc mổ. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thủ tục về an toàn phẫu thuật, hai bé bắt đầu được gây mê. Các nhóm phẫu thuật hội ý lần cuối và tiến hành xác định đường mổ trên cơ thể bé.
Với ca đại phẫu này, BV sử dụng hai phòng mổ siêu sạch cùng phòng hồi sức được cấy không khí, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, chiếu tia UV. Ê kíp ca phẫu thuật gồm hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên BV Nhi đồng thành phố phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các BV và trung tâm lớn trên cả nước như BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Mắt, Xuyên Á và Trường Đại học Y Dược TPHCM. Họ được chia thành nhiều kíp, phụ trách từng chuyên khoa gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng.
Trong số gần 100 nhân viên y tế tham gia ca đại phẫu có 9 chuyên gia (8 bác sĩ, 1 điều dưỡng). Ê kíp ngoại viện gồm 14 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng. Ê kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên gây mê, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh. Các bác sĩ dự kiến mỗi bé mất khoảng 250-500ml máu. Bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 12 đơn vị tiểu cầu. Trước mổ 2 ngày hai bé được xét nghiệm tiền phẫu, X-quang phổi, siêu âm tim và mạch máu. Ngày 14-7, hai bé được thụt tháo hậu môn và tắm bằng dung dịch sát trùng để sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật kéo dài.
Gần 10 giờ ngày 15-7, TS-BS Trương Quang Định đã tiến hành rạch đường dao đầu tiên trên da 2 bé, bắt đầu cuộc phẫu thuật. Đến hơn 14 giờ, ê kíp mổ đã hoàn thành tách rời hoàn toàn hai bé. Ngay sau đó, hai bé được đưa ra bàn mổ riêng, chuẩn bị các công đoạn chỉnh hình khung chậu, kéo vạt da che các cơ quan của bé. Sinh hiệu của Trúc Nhi - Diệu Nhi ổn định, mọi thông số theo dõi đều tốt. Một kết thúc có hậu khi 18 giờ 40 phút cùng ngày, cặp song sinh đã được đưa ra khỏi phòng mổ sau khi các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng, khâu vết mổ, bó bột cho hai bé.
“Sau gần 12 tiếng đồng hồ ca phẫu thuật đã kết thúc tốt đẹp và thuận lợi. Hai bé đã được chuyển Khoa Hồi sức ngoại an toàn, tiếp tục được theo dõi sát tình trạng sức khỏe sau mổ, một hành trình cũng đầy khó khăn không kém”, TS-BS Trương Quang Định thông tin.
Tháng 7-2019, BV Nhi đồng thành phố tiếp nhận từ BV Hùng Vương trường hợp song sinh dính nhau đặc biệt. Đây là trường hợp sản phụ 25 tuổi mang thai lần đầu, vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ được phát hiện mang thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, 2 thai có chung 1 dây rốn. Sản phụ được mổ lấy thai lúc thai 33 tuần, cân nặng lúc sinh cả hai bé được 3,2 kg. Hai bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng, 1 lỗ hậu môn, 2 bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung. Ngoài ra, hai bé còn hở khớp mu, khung chậu lại xếp thành 1 vòng tròn. Đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính, trên thế giới tỷ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus. |
Lịch sử lặp lại sau 32 năm
Theo GS-TS Trần Đông A (từng tham gia mổ cho cặp song sinh Việt - Đức), người tham gia cố vấn chuyên môn cho ca đại phẫu cho biết, mọi việc đều diễn ra theo dự tính. Hiện sức khỏe hai bé ổn định. Đây là ca mổ phức tạp thứ 2 mà ngành y tế TPHCM thực hiện sau ca mổ Việt - Đức 32 năm trước. Dù ca mổ rất khó khăn nhưng cả ê kíp đều rất hạnh phúc vì chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của y tế.
“Ca mổ này thuận lợi hơn ca mổ Việt - Đức vì thực hiện tại bệnh viện được trang bị hiện đại. 32 năm trước tôi đã tiến hành ca mổ dính bụng chậu cho Việt - Đức có 3 chân. Bây giờ tôi lại được tham gia ca mổ cũng dính bụng chậu nhưng có 4 chân. Đây là một loại song sinh dính liền hiếm gặp trên thế giới”, GS-TS Trần Đông A cho hay.
Cũng theo GS-TS Trần Đông A, để chuẩn bị cho ca mổ lịch sử tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, trước đó các chuyên gia đã tổ chức các buổi hội chẩn, bàn thảo rất kỹ về những vấn đề có thể xảy ra. Mặc dù hiện nay các phương tiện chẩn đoán của y tế Việt Nam hiện đại và chi tiết hơn rất nhiều nhưng vẫn phải đề cao cẩn trọng vì bất ngờ luôn có thể xảy ra với các ca dính liền. Đây là ca mổ tách dính được tiến hành lần đầu tiên tại một bệnh viện nhi mới, trang thiết bị hiện đại. Cuộc đại phẫu sẽ đánh dấu bước lịch sử của Bệnh viện Nhi đồng thành phố cũng như ngành y tế của TPHCM. Nhờ có trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ có thể chẩn đoán trước ca mổ hầu như chính xác đến 100%.
Chia sẻ về ca phẫu thuật kéo dài gần 12 giờ, TS-BS Trương Quang Định cho rằng, hiện tại ca phẫu thuật đã bước đầu thành công, vì sắp tới hai bé còn phải bước vào giai đoạn hồi sức sau mổ. “3 tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phẫu thuật tái tạo đường tiêu hóa, tiết niệu vì hai bé mới chỉ có hậu môn tạm, bài tiết qua da. Sau khi kết thúc ca mổ, chúng tôi rất vui và hạnh phúc vì sinh hiệu của hai bé đều ổn định và mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu. Đây là thành quả của cả ê kíp với gần 100 nhân viên y tế và cũng là thử thách lớn, không chỉ hôm nay mà từ ngay ngày đầu tiên khi bệnh viện tiếp nhận hai bé vì lúc đó sức khỏe bé Diệu Nhi rất yếu, chúng tôi phải ra sức cứu bé”, TS-BS Trương Quang Định nói.