Tiếp nối kết quả đã đạt được trong những năm trước, đồng thời với những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu, phát triển và đẩy mạnh các liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa được Bộ Công thương triển khai trong thời gian vừa qua, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 được kỳ vọng sẽ giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm.
Đây là lần thứ 2 trong năm, TPHCM triển khai chương trình Khuyến mại tập trung -Mùa mua sắm "Shopping Season" diễn ra từ 15-11 đến 31-12 với hạn mức tối đa giá trị của sản phẩm dùng để khuyến mại lên đến 100%. Chương trình được thực hiện nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, hướng đến xây dựng TPHCM trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn; thu hút đông đảo người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Tính đến sáng 15-11, đã có 1.198 doanh nghiệp đăng ký với 3.937 chương trình khuyến mại.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, chương trình năm 2022 tiếp tục mở ra một "mùa đặc biệt" để tất cả các doanh nghiệp (không cần thông qua khâu lựa chọn, xét chọn của các cơ quan Nhà nước để được tham gia chương trình) có cơ hội thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến mại với mức khuyến mại tối đa.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng chương trình khuyến mại với nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn nhằm mang đến cho khách hàng, người tiêu dùng nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá cả phù hợp. Với hiệu ứng kết nối cung cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp chủ động phối hợp triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp với hoạt động hội chợ, triển lãm… tại địa phương để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, góp phần thu hút du khách đến Việt Nam.
Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.410 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 458,000 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả của chương trình mang lại sẽ góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tạo thêm cơ sở thực tiễn để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình.