Sáng 16-3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức kỷ niệm 30 năm ghép thận và Hội thảo khoa học bệnh viện. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, bệnh viện đã ghép được cho 1.127 trường hợp.
Bệnh viện cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến, như: ghép thận từ người cho chết não (ngày 23-4-2008); từ người cho tim ngừng đập (18-6-2015), ghép đối chéo người cho (11-1-2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29-12-2021)...
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, khi có chỉ định của một bệnh nhân ghép tạng, có nguồn tạng, bệnh viện sẽ khởi động cả một hệ thống để nhanh chóng lấy được tạng, nhanh chóng ghép cho người bệnh, đảm bảo không để lãng phí nguồn tạng hiến. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn y tế, Hãng hàng không quốc gia, Công an TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để vận chuyển nguồn tạng hiến trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Bệnh viện cũng đã phát triển chương trình ghép gan, ghép tim, giác mạc, tuỷ, ghép da và hiện tại đang chuẩn bị phát triển các kỹ thuật ghép phổi. Để phát triển nguồn thận ghép, tạo sự công bằng trong ghép tạng, từ năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Trong đó phát triển Đơn vị ghép thận trở thành một trong những trung tâm ghép thận hàng đầu của cả nước.
“Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước đây chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao... Đồng thời, xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép”, TS-BS Nguyễn Tri Thức thông tin và cho biết, bệnh viện cũng hợp tác với nhiều trung tâm ghép tạng trên thế giới, đồng thời hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận.
Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngày 28-2-1992 Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành và các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó bệnh viện đã tập trung phát triển ghép thận là một trong những mũi nhọn của bệnh viện, triển khai nghiên cứu thành công nhiều đề tài các cấp và đã được chấp nhận, đưa ghép thận trở thành phẫu thuật thường quy.
Sau 30 năm, đã có 1.127 trường hợp được ghép thận tại đây, trong đó có khoảng 70 ca ghép thận từ người hiến chết não, tim ngừng đập.
“Việc hiến mô tạng cho những người suy tạng là một món quà vô giá. Đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia nhiều người đã quyết định hiến tạng góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân vì có công lao đặt nền móng cho sự nghiệp ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sẽ luôn cất cao tiếng hát để "trả nợ ân tình" với cuộc đời
Tại lễ kỷ niệm, NSND Minh Vương cho biết, 11 năm trước ông nằm trong số bệnh nhân suy thận được may mắn ghép thận. Việc có thận ghép là "món quà vô giá" mà chàng trai 34 tuổi chết não đã hiến tặng cho mình.
"Minh Vương xin biết ơn tất cả, nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn kiếp sau tôi trả nợ ân tình” NSND Minh Vương xúc động nói.
NSND Minh Vương hát tặng khán giả tại buổi lễ |
Ông kể, năm 2012, Minh Vương bị suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Việc hiến ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng, ông sẽ luôn cất cao tiếng hát của mình để "trả nợ ân tình" với cuộc đời này.