Hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018” với chủ đề chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, sáng nay 5-12 tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức cuộc toạ đàm về tình trạng “bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái - khoảng trống về pháp lý".
Mục đích của cuộc tọa đàm là để nâng cao nhận thức về vấn nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái; phát hiện những khoảng trống về chính sách, pháp luật và dịch vụ cung cấp trong việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực tình dục; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái và khuyến nghị đối với Việt Nam...
Tại cuộc tọa đàm, TS luật Trần Thị Lịch, thẩm tra viên chính Toà án nhân dân tối cao, nguyên thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho biết tình trạng xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hiện nay rất đáng báo động, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý, xét xử gặp rất nhiều khó khăn do bị hại không tố cáo hoặc sau đó thay đổi lời khai, bảo vệ bị cáo.
“Tôi đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại của những thầy giáo nam, người ta chia sẻ với tôi rằng người ta đã quan hệ với rất nhiều em học sinh lớp 5-6 và lớp 7” - bà Lịch phản ánh và đưa ra nhận xét rằng tình trạng này cho thấy mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu như các em học sinh gái lại không tố cáo.
“Không những là không tố cáo mà chỉ sau khoảng 3-5 ngày thì các em học sinh này lại tìm đến thầy giáo để tiếp tục quan hệ tình dục”- TS Lịch cho biết thêm.
Bà Lịch cho rằng, đây là tình trạng rất đau lòng và trách nhiệm của chúng ta là phải tìm cách để làm giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối với học sinh.
Còn theo kết quả khảo sát về thực trạng xâm hại tình dục tại Hà Nội và TPHCM của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam - UNFPA được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tại cuộc tọa đàm thì có tới 11% học sinh phổ thông bị xâm hại ít nhất 1 lần; 31.2% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt; 27% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục; 58% phụ nữ từng bị bạo hành hoặc bạo lực tình dục...