108 ngày sống trong giãn cách

Tôi ngồi đọc liền một mạch những trang viết của nhà thơ - nhà báo Từ Nguyên Thạch trong cuốn nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách” (NXB Hội Nhà văn ấn hành) với rất nhiều cảm xúc.

Từ Nguyên Thạch đã thể hiện được thế mạnh ngôn từ của mình trong tác phẩm này. Là nhà thơ, anh sử dụng ngôn từ vô cùng hấp dẫn, dẫn dắt chúng ta quay về những ngày cả nước, trong đó có TPHCM phải gồng sức đối chọi với đại dịch Covid-19 kinh hoàng. Là nhà báo, anh biết cách chắt lọc, để đưa những chi tiết “đắt”, ấn tượng đến với độc giả.

E6A.jpg

Đó là các câu chuyện giản dị, thân tình, bi thương, gắn bó từ của những người thân trong gia đình tác giả tới những câu chuyện bên ngoài xã hội, trên đường phố, trong siêu thị, từng con hẻm, và thậm chí cả chiếc lá xanh ở ngoài cửa sổ nữa, đã tạo nên một bức tranh với các gam màu đa dạng tái hiện một thời kỳ vô cùng đặc biệt. Những người đã từng sống, từng trải qua tháng ngày giãn cách tại TPHCM hẳn sẽ bắt gặp chính bản thân mình trong các trang viết của Từ Nguyên Thạch. Những cơn lo lắng thắt tim khi đọc tin tức, giật mình thon thót trong giấc mơ với tiếng còi xe cứu thương hú không ngớt ngoài đường, các khái niệm vốn xa lạ khi đó lại thành một phần của cuộc sống: chọc mũi, cách ly, tiêm vaccine, cứu trợ, F1-F2, hàng thiết yếu, phiếu đi chợ, đi chợ giùm, vùng xanh… đã hoàn thiện đầy đủ bức tranh ấy.

Thời gian khó nhọc và đau thương ấy, tôi - một bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho các bệnh nhân - cũng bị nhiễm virus corona. Tuổi tác cùng nhiều căn bệnh nền khác đã đẩy tôi tới sự nguy kịch. Nên tôi rất thấm thía sự khốc liệt mà “con quái vật virus”, như cách Từ Nguyên Thạch sử dụng ngôn từ trong tác phẩm này, tàn phá sức khỏe con người và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

Trong các trang viết của Từ Nguyên Thạch, tôi dễ nhận thấy nhất là sự chia sẻ thương cảm từ trái tim nhân văn và sự phản biện ôn hòa về cách vận hành xã hội chưa phù hợp trong vài hoàn cảnh nào đó suốt thời gian dịch bệnh diễn ra. Anh có các quan sát tinh tế và đầy thấu cảm, từ giọt nước mắt của người phụ nữ đẩy xe bán cháo lòng bị bắt mang về phường tới đàn chim sẻ không còn về ríu rít trước sân; hay như những dòng thơ do chính Từ Nguyên Thạch sáng tác san sẻ những nỗi xót xa của những phận người giữa những cuộn xoáy dữ dội của dịch bệnh khiến những điều vốn bình thường lại trở thành “trái phép”.

Con số 108 ngày mà Từ Nguyên Thạch lựa chọn để thể hiện các tình tiết trong tác phẩm này vừa là sự khách quan vô tình nhưng đồng thời cũng là sự hữu ý. Đó có lẽ cũng chính là cái duyên mà chúng ta thường gọi là số phận. Tôi và Từ Nguyên Thạch cùng ở thế hệ đã đi qua những trải nghiệm, những mất mát, nỗi thống khổ vừa đủ, để hiểu và trân quý cuộc đời. Sau bi thương sẽ luôn là hỷ lạc.

Tin cùng chuyên mục