Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, nhận định như vậy về cơ bản là đúng, nhưng nếu nghiên cứu sâu thêm bối cảnh lịch sử trước và sau thời kỳ lịch sử đó thì cách nhìn nhận này dường như chưa đầy đủ, toàn diện.
* PHÓNG VIÊN: Thưa GS, vì sao trong nghiên cứu của mình, ông đưa ra khái niệm “cục diện 12 sứ quân” thay cho “loạn 12 sứ quân”?
- GS VŨ MINH GIANG: Sứ quân là danh xưng được các sử gia thời phong kiến dùng để chỉ các hào trưởng “nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ” trước khi triều Đinh thành lập.
Theo tôi, không nên gọi “loạn 12 sứ quân” vì những lý do sau đây: Thứ nhất, đây là quan niệm của các sử gia phong kiến dưới lăng kính của thời kỳ Nho giáo độc tôn.
Sử gia Ngô Sĩ Liên đã ví cục diện này giống như thời Ngũ đại ở Bắc triều. Quan niệm này tiếp tục được các nhà nghiên cứu sau này sử dụng như một sự thừa nhận mặc nhiên. Thậm chí có tác giả còn gia cố thêm tính chất “loạn lạc” để đề cao công lao “dẹp loạn” của Đinh Bộ Lĩnh. Cách nhìn nhận này thực ra chưa phản ánh hết tầm vóc của sự nghiệp tạo dựng nền tảng thống nhất cho một quốc gia, cái mà trước đó chưa có.
GS-TSKH Vũ Minh Giang
Nếu như tính chất “hùng cứ” của các hào trưởng được hình thành trên nền kinh tế tự cấp, tự túc của các làng xã từng là sức mạnh giúp người Việt đề kháng thành công trước các chính sách đồng hóa ráo riết của chính quyền đô hộ, thì sau khi giành được độc lập lại trở thành trở lực cho việc xây dựng một quốc gia thống nhất. Cục diện sứ quân chính là biểu hiện của xu thế đó.
Thứ hai và là điều hết sức quan trọng, đó là quan niệm này dường như không thật đúng với thực tế lịch sử lúc đó. Trước khi các hào trưởng hưởng ứng lời kêu gọi của Ngô Quyền góp sức cùng đánh quân Nam Hán, họ đã là những người có ảnh hưởng rất lớn ở các địa phương, chứ không phải là các thế lực cát cứ làm một đất nước thống nhất bị tan rã thành nhiều phần, như mô tả của nhiều tác giả sau này.
Khi Ngô Quyền mất và nền tảng thống nhất quốc gia chưa được tạo dựng, những người nắm chính quyền lại không đủ uy đức để thu phục, thì việc các thủ lĩnh trở về hùng cứ ở địa phương mình là điều khó tránh khỏi, như một lẽ tự nhiên. Mặt khác, hầu như có rất ít sử liệu mô tả những trận chiến giữa các sứ quân gây nên cảnh loạn lạc. Vì vậy, cách gọi là “loạn 12 sứ quân”, theo tôi là không phù hợp.
Thứ ba, căn cứ vào các thần tích, thần phả, hầu hết các sứ quân đều là những nhân vật được nhân dân địa phương tôn kính, trân trọng như những anh hùng. Họ được dân tôn làm thành hoàng, phúc thần và lập đền miếu thờ phụng. Vì vậy, việc coi các sứ quân như những người cầm đầu các cuộc nổi loạn dễ động chạm đến tâm tư, tình cảm của nhân dân các vùng tôn thờ họ. Với ý nghĩa đó, tôi thiết nghĩ chúng ta nên bỏ cách dùng “loạn 12 sứ quân” để thay vào đó là cụm từ “cục diện 12 sứ quân”. Cách diễn đạt này vừa phản ánh sát hơn với lịch sử, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân các vùng từng là địa bàn hoạt động của sứ quân.
* Vậy vai trò của Đinh Bộ Lĩnh trong vấn đề thống nhất “cục diện 12 sứ quân” như thế nào, thưa GS?
- Tài quân sự thao lược của Đinh Bộ Lĩnh là điều không cần phải bàn cãi. Sử gia Lê Văn Hưu đã có lời bình rất xác đáng: “Tiên hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà 12 sứ quân phục hết”.
Vốn là một hào kiệt có nhãn quan chính trị sáng suốt, Đinh Bộ Lĩnh sớm nhận ra sự yếu kém của những người kế tục sự nghiệp của Ngô Quyền ở Cổ Loa, nên đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải khẩu (vùng Thái Bình ngày nay) để phát triển lực lượng. Trước thanh thế của ông, một trong những sứ quân hùng mạnh nhất khi ấy là Phạm Phòng Át ở Đằng Châu (vùng Hải Dương ngày nay), người từng chiếm giữ cả một vùng Đông Bắc rộng lớn, đã dẫn quân về Hoa Lư hợp sức và được Đinh Bộ Lĩnh phong là thân vệ Đại tướng quân.
Đối với hầu hết các sứ quân khác, Đinh Bộ Lĩnh chủ yếu tìm cách thu phục. Trừ một số sứ quân kiên quyết đương đầu như Kiều Công Hãn ở Phong Châu (vùng Phú Thọ ngày nay) và Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang (vùng Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), ba anh em họ Nguyễn, các sứ quân còn lại đều lần lượt theo về Hoa Lư.
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Sự nghiệp thống nhất mà Đinh Bộ Lĩnh đã tạo ra không đơn thuần là kết cục của một cuộc chiến phe phái trong đó người mạnh nhất giành chiến thắng, mà là thắng lợi của một xu thế. Công cuộc tái lập quốc và bảo vệ nền độc lập non trẻ, sau một thời kỳ đấu tranh bền bỉ mới giành lại được, cần một nền tảng thống nhất vững chắc.
Đinh Bộ Lĩnh đã làm được điều đó. Hơn thế, chấm dứt tình trạng các sứ quân hùng cứ một phương còn đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo dân chúng nên đã được ủng hộ rộng rãi. Kết quả là mở ra một trang sử mới, hết sức quan trọng của Việt Nam.
* Như vậy, sau cục diện 12 sứ quân, việc Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời năm 968 là kết quả của một quá trình đấu tranh dài lâu, bền bỉ của người Việt dưới sự đô hộ của phương Bắc?
- Hơn 1.000 năm dưới ách cai trị hà khắc với chính sách đồng hóa ráo riết của phong kiến phương Bắc là một thử thách hiểm nghèo của nhân dân Âu Lạc. Sau chừng ấy thời gian mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng và giành lại độc lập là hiện tượng hy hữu đến mức có thể coi là duy nhất trong lịch sử thế giới. Kết thúc thời kỳ Bắc thuộc không thể chỉ là một sự kiện mà phải coi là sự tích lũy của cả một quá trình. Trước hết phải kể đến các cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ thể hiện tinh thần bất khuất từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến Lý Bí, Mai Thúc Loan… Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 là trận chung kết toàn thắng của người Việt trong cuộc đấu tranh vô cùng bền bỉ và anh dũng. Từ đây, ý đồ muốn tái lập lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc hoàn toàn bị đè bẹp, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Có thể khẳng định Nhà nước Đại Cồ Việt là một quốc gia độc lập với đầy đủ các tiêu chí sánh ngang những quốc gia khác. Sự nghiệp “tái lập quốc” của dân tộc ta đến đây mới chính thức hoàn thành. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn.
* Thưa GS, Nhà nước Đại Cồ Việt và vai trò của Đinh Bộ Lĩnh được đánh giá như thế nào trong tiến trình lịch sử dân tộc?
- Đinh Bộ Lĩnh là người có công đầu và là công lớn nhất trong sự nghiệp vĩ đại “tái lập quốc” sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc mà tôi đã nói ở trên. Chính ông là người đã tạo ra nền tảng thống nhất cho một quốc gia, điều mà trước đây chưa có.
Thiết chế trung ương tập quyền được dựng đặt bởi Đinh Tiên Hoàng không đơn giản chỉ là một kiểu tổ chức nhà nước, mà là kết tinh trí tuệ của một vị hoàng đế sáng suốt đã tìm phương thức chính quyền phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Chính vì vậy, sự kiện thành lập triều Đinh và Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế năm 968 cần được xem như dấu mốc mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Sử gia các triều đại trước đây đã rất sáng suốt khi đặt vương triều Đinh và chương mở đầu cho phần Bản kỷ (Đại Việt sử ký toàn thư) hoặc phần Chính biên (Việt sử thông giám cương mục) với ý nghĩa triều đại mở đầu cho kỷ nguyên độc lập của dân tộc.