Năm 968, vua Đinh Bộ Lĩnh tiến lên một bước nữa, xưng Đại Thắng Minh Hoàng đế, định quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Đó là những việc làm có ý nghĩa nêu cao chủ quyền quốc gia, biểu thị niềm tự tôn dân tộc.
Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”
Quan hệ hòa hảo, vừa mềm mỏng vừa cứng rắn
Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc trong lịch sử bang giao của Việt Nam. GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định, vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên trong lịch sử nước ta thi hành những biện pháp và nghi thức ngoại giao vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn đối với Trung Hoa. Từ đó, để lại một bài học kinh nghiệm ngoại giao với đế chế khổng lồ phương Bắc là “ở trong xưng đế, bên ngoài xưng vương” cho các vương triều quân chủ Việt Nam sau này.
Ngay sau khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ bang giao với nhà Tống. Theo các bộ chính sử của Việt Nam (như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục), vào năm 970, vua sai sứ sang nhà Tống giao hảo. Chuyến đi sứ sang nhà Tống vào năm Thái Bình thứ 1 (970) dưới thời Đinh là chuyến đi sứ đầu tiên, mở đầu quan hệ bang giao giữa Việt Nam với Trung Quốc trong thời kỳ trung đại. Dưới thời Đinh, kể từ năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng lần đầu tiên sai sứ sang nhà Tống kết hiếu, đến chuyến đi cuối cùng năm 977, sai sứ sang mừng Tống Thái Tông lên ngôi, trong quan hệ bang giao giữa Đại Cồ Việt và Trung Quốc chưa xảy ra xung đột. Nhà Tống đối với triều Đinh nói chung và vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng, đều tỏ ra hữu hảo. Điều này cho thấy, Đinh Tiên Hoàng đã có một chính sách đối ngoại khéo léo, mềm dẻo để giữ gìn hòa bình cho dân tộc.
PGS-TS Trần Thị Vinh, Viện Sử học, cho rằng, từ ngày xưa, Việt Nam là một quốc gia nằm kề với Trung Hoa, việc thông hiếu cũng được tiến hành ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, nhưng khi ấy danh hiệu của Việt Nam còn nhỏ nên chưa được dự vào hàng triều hội. Song tới khi thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt thì mọi việc đã khác. Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí (Bang giao chí) của Phan Huy Chú cũng đề cập tới nội dung này, khi ghi chép lại rằng: “Đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ sách phong của Trung Quốc mới nhận cho đứng riêng một nước”.
Từ đó cho đến trước khi qua đời vào năm 979, Đinh Tiên Hoàng đã liên tục cử các sứ đoàn với mức độ khác nhau nhằm tăng cường xây dựng quan hệ hòa hiếu với nhà Tống. Lúc này các sứ đoàn nhà Tống cũng thường qua lại Đại Cồ Việt và các sư tăng đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong sứ mệnh ngoại giao. Đây là quyết sách ngoại giao sáng suốt rất kịp thời của triều đại Đại Cồ Việt; bắt đầu đặt mối quan hệ bang giao trực tiếp luôn với chính quyền Trung nguyên chứ không phải chịu khuất phục chính quyền nhỏ bé của nhà Nam Hán như tiền triều. Có thể làm được như vậy, vì lúc này uy thế của Nhà nước Đại Cồ Việt đã khác xa nhà nước thời Ngô.
Tư thế của một quốc gia độc lập, tự chủ
Theo nhà sử học Vũ Minh Giang, tầm nhìn, tài năng và bản lĩnh của Đinh Tiên Hoàng ngoài việc xưng làm hoàng đế, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, ngay liền đó là đề xuất nhà Tống phong vương cho con trai Đinh Liễn. Điều này thể hiện hiên ngang quyền ngang hàng với hoàng đế của nhà Tống. Từ đây trở về sau các vua Việt Nam đều xưng là hoàng đế. Nhưng để tránh đối đầu đế chế Tống hùng mạnh, Đinh Tiên Hoàng luôn thực thi chính sách ngoại giao mềm dẻo để giữ hòa bình, độc lập cho đất nước. Nhờ đó, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có đủ thời gian chuẩn bị để đến 12 năm sau đủ sức đánh quân Tống đại bại trên sông Bạch Đằng (năm 981). PGS-TS Nguyễn Quang Hồng, Đại học Vinh, cho rằng, cho dù thời điểm đó nhà Tống chưa chính thức thừa nhận (ít nhất là trên phương diện ngoại giao) quốc hiệu và sự hiện diện của quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ, nhưng thông qua con đường ngoại giao, chỉ trong khoảng 5 năm, Đinh Tiên Hoàng đã tránh cho dân tộc nguy cơ buộc phải đối mặt với chiến tranh xâm lược đến từ phương Bắc, để tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực đưa đất nước thoát khỏi bao khó khăn, thử thách cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… Chính vì vậy, dù muốn hay không thì nhà Tống phải thừa nhận Đại Cồ Việt “đứng riêng một nước”.
Các tài liệu sử học đều khẳng định, không chỉ là người đầu tiên, Đinh Tiên Hoàng đã thi hành đường lối chiến lược “ở trong xưng đế, bên ngoài xưng vương” với đế chế Trung Hoa một cách khôn ngoan, khéo léo. Nó đã mở ra một truyền thống của các vương triều Việt Nam chỉ “thần phục bên ngoài”, còn “bên trong độc lập”.
Tuy nhiên sự “thần phục bên ngoài” ấy luôn có giới hạn chặt chẽ của nó. Mỗi khi đế chế Trung Hoa vượt qua giới hạn, xâm phạm bờ cõi và chủ quyền dân tộc, thì trước mắt toàn thể dân tộc Việt Nam và các vương triều tiến bộ Việt Nam, họ là lũ giặc xâm lăng, phải bị giáng trả, đánh đuổi thích đáng. Nhà sử học Tường Minh, Viện Sử học, nhận định, bài học về ứng xử của Đinh Tiên Hoàng với nhà Tống lúc bấy giờ, luôn là kinh nghiệm quý báu trong công cuộc gìn giữ và xây dựng đất nước muôn đời sau.
Theo PGS-TS Trần Thị Vinh, từ sau khi Nhà nước Đại Cồ Việt thiết lập quan hệ bang giao trực tiếp với triều đình nhà Tống, chỉ trong vòng 12 năm tồn tại (968-980), nhà Đinh có 5 lần cử sứ giả sang nhà Tống thực hiện những nghi thức cầu phong, sính lễ và thăm viếng. Để đáp lại, nhà Tống cũng 2 lần cử sứ giả mang chế sách sang Đại Cồ Việt để phong vương. Đây không chỉ là hoạt động bang giao hòa hiếu được thiết lập giữa hai nhà nước trong buổi đầu của kỷ nguyên độc lập mà còn là quyết sách ngoại giao đầu tiên đặt nền móng chính sách đối ngoại cho những vương triều phong kiến tiếp theo.