Giá nhiên liệu tăng, ngư trường cạn kiệt
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 6.000 tàu cá, trong đó gần 50% là tàu công suất lớn có khả năng tham gia đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Mặc dù đang vào mùa đánh bắt dịp cuối năm trước khi nghỉ tết, thế nhưng gần 1.000 tàu cá vẫn nằm ở các ụ tàu.
Ngư dân Trần Văn Hoàn (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), một trong những chủ có tàu lớn phải nằm ở cảng cá Phước Tỉnh, cho biết, trước đây, mỗi cặp ghe của ông xài hết khoảng 100.000 lít dầu diesel cho mỗi chuyến biển 30-45 ngày, sau khi trừ các chi phí thì mỗi thuyền viên cũng được chia khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại mỗi chuyến biển có thể kéo hơn so với trước nên việc sử dụng nhiên liệu cũng tăng theo, trong khi đó, giá dầu từ đầu năm đến nay đã liên tiếp tăng trên 3.000 đồng/lít, chi phí cho mỗi chuyến biển bị đội lên từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng khiến việc đánh bắt hải sản không có lãi, thậm chí thua lỗ và chủ tàu đành cho tàu nằm bờ chờ “giải cứu”.
Một nguyên nhân khác cũng khiến chủ tàu đau đầu là việc thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động đi biển dẫn đến tàu nằm bờ mà vẫn phải trang trải chi phí sinh hoạt, tiền công cho các thuyền viên khác. Nhiều chủ tàu ở cảng cá phường 5 (TP Vũng Tàu) chia sẻ, số thanh niên biết làm nghề biển giờ rất ít và khó kiếm. Chính vì vậy mới có chuyện chủ tàu bỏ tiền cho cò lao động để kiếm đủ bạn ghe đi đánh bắt, vì nếu để tàu nằm bờ trong một thời gian dài thì thiệt hại sẽ rất lớn bởi phần nhiều đều vay ngân hàng để đóng tàu.
Tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm
Trước việc tàu không thể ra khơi do gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu đã lên phương án sửa chữa, tân trang lại tàu để bán và chuyển đổi nghề khác. Thế nhưng, phương án này gần như không khả thi vì chẳng có mấy người ngó ngàng, hỏi han đến việc mua tàu đi đánh bắt.
Từ những khó khăn nêu trên, bà con ngư dân mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp ngư dân an tâm bám biển. Trước mắt là hỗ trợ ưu đãi về giá nhiêu liệu để các tàu vươn khơi; về lâu dài, cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác hiệu quả mang tính bền vững; bên cạnh đó cũng cần tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm, tạo cầu nối giữa ngư dân và doanh nghiệp, không để tình trạng thương lái liên kết ép giá sản phẩm của ngư dân như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị các cơ quan chức năng có chính sách bình ổn giá dầu để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Cùng với đó, các tàu nằm bờ đợt này chủ yếu là đánh bắt lưới kéo nên Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo bà con nên cải hoán hình thức đánh bắt, tránh đánh bắt tận diệt để hướng đến ngành khai thác thủy sản bền vững
Tháng 9-2018, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch chuyển đổi nghề lưới kéo (một trong những hình thức đánh bắt tận diệt, tàn phá các bãi cá đẻ, đe dọa tới sự phát triển bền vững của nghề cá và dẫn tới số vụ vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng). Theo lộ trình, tỉnh sẽ cơ cấu lại các đội tàu theo hướng giảm dần các tàu lưới kéo, chuyển sang các hình thức khai thác thân thiện với môi trường như câu khơi, lưới vây, chụp mực… và giảm dần các tàu có công suất nhỏ, các tàu gỗ, thay thế bằng những tàu có công suất lớn đóng bằng vật liệu mới như tàu vỏ thép, composite để đánh bắt xa bờ; tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm, tạo cầu nối giữa ngư dân và doanh nghiệp; xây dựng và nâng cấp các cảng cá theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho bà con ngư dân, hướng dẫn cộng đồng ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác, nghiệp đoàn, hợp tác xã đánh bắt sản xuất trên biển. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 341 tổ đoàn kết với 2.137 thành viên nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.