Theo dữ liệu của ITU, khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận internet trong năm 2022. Khoảng 33% trong số này đến từ 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới (LDC). Cơ quan này cảnh báo sự cách biệt về khả năng số hóa đang khiến LDC bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Giám đốc ITU Doreen Bogdan-Martin cho biết, tuy công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, nhưng lợi ích của công nghệ - kỹ thuật số đến nay vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người. Bà Bogdan-Martin nhấn mạnh, nếu thế giới mong muốn thúc đẩy số hóa có ý nghĩa và bền vững, thì cần có hành động nhất quán để đẩy nhanh quá trình này.
Các bé gái sử dụng máy tính bảng tại trung tâm học trực tuyến ở Jabalain, Sudan |
Để khắc phục tình trạng này, ITU đã triển khai một liên minh có tên Partner2Connect Digital Coalition vào tháng 9-2021. Cơ chế này tận dụng các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công và tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số ở các cộng đồng chậm tiến bộ nhất, trong đó có LDC, cũng như các quốc đảo nhỏ hoặc các nước có vị trí địa lý xa xôi. ITU cho biết, liên minh đã bắt đầu huy động tài trợ trực tiếp vào tháng 2-2022 và đến nay đã nhận cam kết đầu tư 30 tỷ USD, trong đó sẽ phân bổ 12 tỷ USD để các nước LDC được tiếp cận internet trong thời gian sớm nhất. Trong một tuyên bố, ITU cho biết, họ đang hướng tới một nỗ lực chung toàn cầu để đạt mục tiêu 100 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2026.
Justin Spelhaug, Phó Chủ tịch Công nghệ cho tác động xã hội Microsoft Philanthropies, cho biết, hơn 50% dân số ở LDC ở độ tuổi dưới 19 và đây là lực lượng lao động của thế giới trong tương lai. “Điều quan trọng là các công ty như Microsoft, hay các công ty thuộc khu vực tư nhân khác muốn tạo ra sự khác biệt đều phải dựa vào sự phát triển của các quốc gia này”, ông Spelhaug nói. Ông Spelhaug đánh giá cao chương trình Đối tác Phát triển kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới với mục đích tăng khả năng tiếp cận công nghệ, hàng hóa công kỹ thuật số, băng thông rộng và dịch vụ nâng cao năng lực kỹ thuật số ở các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới.
“Chương trình có nhiều sự kết hợp và mô hình kinh doanh với giá cả phải chăng để tạo khả năng tiếp cận công nghệ nhiều hơn. Các hàng hóa công kỹ thuật số dưới tên GitHub cung cấp cho chính phủ các nước những dịch vụ mà họ cần”, ông Spelhaug cho biết. Ngoài ra, quan hệ đối tác cũng sẽ cho phép LHQ tiếp tục thực hiện các mục tiêu tạo ra một thế giới thịnh vượng hơn. Ông Spelhaug tin rằng với chương trình này, số lượng các nước ở LDC không được tiếp cận internet sẽ giảm đáng kể.
Trong khi đó, bà Rabab Fatima, Đại diện cấp cao của LHQ cho LDC, các nước đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS), cho rằng việc thúc đẩy hợp tác và đối tác sẽ tận dụng được các nguồn lực, chuyên môn và tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của khu vực tư nhân để giúp các quốc gia kém phát triển nhất vượt qua những thách thức mà họ đang phải đối mặt, cũng như xây dựng một tương lai thịnh vượng cho người dân của họ.