100 năm hạt ngọc châu thổ

Khi những cơn gió chướng bắt đầu nguôi ngoai, nước lũ bắt đầu rút, nông dân miền Tây bắt tay vào sản xuất lúa đông xuân. Tiết trời se lạnh, cũng là lúc trên cánh đồng ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, nông dân rôm rả thăm đồng. Chuông điện thoại của các ông Hai Huynh, Ba Thích chốc chốc lại reo lên từ sự thăm hỏi của xã viên hợp tác xã (HTX).

Sản xuất lúa giá trị gia tăng cao

“Nông dân trăn trở trồng lúa thơm được thị trường ưa chuộng nhưng chưa có đơn vị nào hướng dẫn gắn mã QR trên bao bì”, ông Nguyễn Văn Thích (Ba Thích), Phó Giám đốc HTX Tân Long, đặt câu hỏi tại một buổi giao lưu cà phê doanh nhân của tỉnh Hậu Giang cách đây 2 năm. Khi đó, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết sẽ cử cán bộ hỗ trợ HTX. Và giờ, thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy đã có mã QR và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý để tạo lập mã vùng.

GS-TS Võ Tòng Xuân (giữa) cùng kỹ sư Hồ Quang Cua (trái) thăm đồng lúa ST
Giờ đây, không chỉ Ba Thích mà nhiều xã viên đã quen với việc ghi chép khi ra đồng. Mỗi cuốn sổ tay đều chi chít ngày xuống giống, ngày bón phân… Đã có 28 xã viên sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Họ là những người tạo nên thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy trong 2 năm qua, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thời điểm giáp tết, nhiều khách hàng từ Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ đã đặt mua hơn 7.000 tấn gạo sạch Vị Thủy. Canh tác các dòng lúa thơm đã tạo nên thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy, nông dân bán theo giá 8.300 đồng/kg, đạt lợi nhuận trên 60% - mức cao kỷ lục so với con số thống kê 40% của Bộ NN-PTNT. “HTX hỗ trợ đầu vào như giống, phân bón, sau đó mua lại lúa của nông dân rồi khấu trừ. HTX có máy sấy, kho chứa lúa, nên nông dân không phải lo khi thu hoạch gặp mưa dầm”, Ba Thích giải thích. Đây là lý do vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, xã viên mở rộng diện tích sản xuất lúa từ 400ha lên gần 700ha.

Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh (ông Hai Huynh là Giám đốc HTX) kế bên cũng sản xuất lúa thông minh. “Trồng lúa theo mô hình thông minh buộc tôi có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng lúa đáp ứng với xu thế mới, ứng phó được biến đổi khí hậu. Quan trọng là việc áp dụng mô hình trồng lúa cấy bằng máy, ít tốn tiền công, được mua phân bón với giá thấp, ổn định và không phải lo đầu ra. Lợi nhuận hơn trồng lúa thông thường 20-30%. Mỗi năm, với 2ha lúa, gia đình tôi lãi 70-80 triệu đồng/ha vụ đông xuân”, xã viên Trần Văn Đáng cho biết.

Chờ “sếu đầu đàn”

Những năm 90 của thế kỷ 20, vựa lúa ĐBSCL đối diện với những trận lũ lịch sử dồn dập từ sông Mê Công đổ về. Lũ sớm đã dìm hàng trăm ngàn hécta lúa ở vùng đầu nguồn An Giang - Đồng Tháp trong biển nước. Các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL đã nhận nhiệm vụ và góp công lớn vào việc định hướng lai tạo chọn lọc các giống lúa ngắn ngày - được gọi tên là OMCS (Ô Môn Cực Sớm, với thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày để kịp thu hoạch trước khi lũ về). Giống lúa này giúp nông dân sản xuất 3 vụ quanh năm, tạo bước ngoặt đưa sản lượng lúa ĐBSCL từ 10 triệu tấn lên 24-25 triệu tấn/năm. Và gạo Việt Nam lọt vào tốp 3 xuất khẩu thế giới với 6-8 triệu tấn/năm.

Hậu Giang đang hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh 
Từ giá xuất khẩu dao động 400-800 USD/tấn (tùy loại), đến nay gạo Việt Nam xuất khẩu đã đạt mốc 1.000 USD/tấn, nhờ gạo thơm ST24, ST25. Sẽ thiếu sót nếu nói về giá xuất khẩu gạo này mà không nhắc đến những đóng góp của 2 Anh hùng Lao động: GS-TS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua. “Dù ngân sách năm 1993 còn thiếu trước hụt sau, UBND tỉnh Sóc Trăng lúc đó vẫn mua trữ trên 600 tấn lúa giống thơm KDM để đầu tư cho sản xuất. Tính ra, những giống lúa thơm đầu tiên đặt chân vào đất Sóc Trăng đến nay đã gần 30 năm”, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ dòng lúa thơm ST, nhớ lại.


Những ngày cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc đối thoại thú vị với các “vua nông sản” Việt. Tại buổi đối thoại này, ông Hồ Quang Cua bày tỏ, chúng ta cần có giải pháp làm bật lên dòng gạo thơm như sản phẩm “sếu đầu đàn” để dẫn dắt chuỗi sản phẩm khác trong ngành gạo, góp phần nâng cao giá trị và tiêu thụ tốt hơn trên thị trường.

Những nông dân như Hai Huynh trồng lúa thông minh, Ba Thích trồng lúa thơm… đang là những “cánh én mang mùa xuân” về ruộng đồng. Họ đang cần kết nối với những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để lai dắt gạo thơm tiến xa, tiến sâu hơn trên thương trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục