1. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Năm 2024, tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 khoảng 197.000 tỷ đồng. Chính sách này đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Thu ngân sách nhà nước về đích sớm và vượt cao so với dự toán
Năm 2024, ngành tài chính đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước với ước đạt khoảng hơn 2,02 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19% so với dự toán được giao và tăng gần 16% so với năm 2023.
3. Ngành Tài chính quyết liệt chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý tài chính ngân sách
Bộ Tài chính tiếp tục tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong các lĩnh vực quản lý, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ cho mục tiêu Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cơ quan thuế đã tiên phong triển khai lộ trình chuyển đổi số, cơ quan hải quan đã thực hiện thành công hiện đại hóa ngành hải quan, Kho bạc Nhà nước vinh dự nhận giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
4. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các kết luận của Trung ương và Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai ngay với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hoàn thành đúng thời hạn các công việc liên quan đến phương án cải cách, tinh gọn bộ máy, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung”.
5. Tạo đột phá về thể chế kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách
Hệ thống pháp luật về tài chính - ngân sách ngày càng hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn, tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chiều ngày 29-11-2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 luật sửa 9 luật. Việc sửa đổi, bổ sung 9 luật này đã kịp thời tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; bổ sung nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.
6. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam năm 2024 được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động mạnh, phức tạp, các xung đột từ năm 2023 tiếp tục làm phát sinh những vấn đề mới khó lường thì các tổ chức đều đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thuận lợi trong trung, dài hạn.
7. Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của Bộ Tài chính
Ngày 28-11-2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026.
8. Ngành tài chính chủ động sẵn sàng cho tổng kiểm kê tài sản công
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1-3-2024 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, triển khai thử nghiệm công tác kiểm kê tài sản công tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho công tác tổng kiểm kê tài sản công.
9. Phát triển thị trường tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững, tăng cường hợp tác tài chính quốc tế
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động xúc tiến đầu tư tài chính tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới diễn ra sôi động.
10. Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát
Năm 2024 là năm thứ 11 tiếp tục ghi nhận sự thành công trong công tác quản lý, điều hành giá, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Ước tính, CPI bình quân cả năm 2024 tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%). Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.