1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; quyết liệt giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, khó khăn nhiều năm, cũng như các dự án, công trình trọng điểm phát triển Thành phố.
Ngay từ những ngày cuối năm 2022 và bắt đầu năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã khẩn trương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Thành phố đến cơ sở nhận thức, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TPHCM đồng thời làm cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết với tinh thần quyết liệt, chủ động, năng động, sáng tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đoàn kết, quyết tâm xây dựng TPHCM thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút, lan tỏa lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các chủ trương để tạo đột phá, giải quyết điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để tương xứng với vị trí vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Cả hệ thống chính trị thành phố tập trung các giải pháp thực hiện các công trình trọng điểm phát triển Thành phố; tái khởi động thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng.
Các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM bảo đảm tổ chức thực hiện các nhóm nội dung, giải pháp đề ra. Trong đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục đạt kết quả tích cực; công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; góp phần thúc đẩy phát triển Thành phố.
2. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.
Sau gần hai năm thực hiện, toàn Thành phố đã có gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ các giải pháp, cách làm đa dạng, phong phú với nhiều mô hình hay, thiết thực được nhân dân thành phố hưởng ứng đã thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong thời gian qua. Góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa, thấm sâu trong đời sống xã hội, dần trở thành chuẩn mực trong nếp sống, nếp nghĩ của đại bộ phận người dân, lan tỏa lối sống thanh cao, giản dị, yêu thương con người, yêu quê hương đất nước.
3. Tham gia 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam
Ban Thường vụ Thành ủy đã tích cực chỉ đạo tham gia 7 nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam trên các lĩnh vực; đồng thời tổ chức hội nghị lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện các nội dung tổng kết. Cùng với đó, ban hành Quyết định 1617 về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập Tổng kết của Thành ủy về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; phối hợp, tổ chức các buổi làm việc giữa Thành ủy TPHCM với các Đoàn khảo sát thực tế của Ban Chỉ đạo Tổng kết Trung ương.
4. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên
Thực hiện tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 21 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Trọng tâm là đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, Bí thư chi bộ khu phố ấp, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu phố ấp. Đặc biệt, đưa đối tượng Bí thư chi bộ khu phố ấp vào danh mục thăm và chăm lo tết hàng năm của Thành phố.
Quan tâm, có các giải pháp thúc đẩy công tác kết nạp đảng viên như tổ chức các hội nghị chuyên đề phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ, công nhân trực tiếp sản xuất, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Trong năm, toàn thành phố đã kết nạp được 7.995 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên hiện nay là 255.576 đảng viên toàn Đảng bộ Thành phố.
Hoàn thiện sắp xếp khu phố ấp gắn với kiện toàn chi bộ khu dân cư với tổ chức Đảng ở các tòa nhà chung cư. Tăng cường công tác xây dựng Đảng của tổ chức đảng trong các cơ quan y tế, trường học trên địa bàn thành phố. Qua đó đánh giá công tác phối hợp giữa các đơn vị được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, chỉ ra mặt mạnh và mặt cần hoàn thiện để phục vụ chung cho việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của toàn Thành phố.
5. Công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ, đồng bộ
Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc, quy trình, quy định, dân chủ, đề cao tính cạnh tranh. Triển khai 2 quy trình khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, hoàn thiện quy trình theo thẩm quyền của Thành phố để có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, đang hoàn thiện cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các chức danh lãnh đạo Thành ủy; rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026.
Công tác luân chuyển cán bộ được triển khai hiệu quả, phát huy được trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo toàn diện của đơn vị. Giới thiệu 4 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và các đồng chí là cán bộ chủ chốt của Thành phố tham gia giữ vị trí chủ chốt tại Hội hữu nghị các quốc gia quan hệ truyền thống và các quốc gia quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cử cán bộ tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị và xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài nước. Công tác cán bộ nữ đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc hoạch định, đào tạo và phát triển. Trong công tác cán bộ trẻ, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo thực hiện giám sát các đơn vị được giao triển khai thực hiện Đề án 01 của Thành ủy TPHCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TPHCM giai đoạn 2020-2035…
Năm 2023, đã triển khai thực hiện danh mục khám sức khỏe chuyên sâu đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
6. Tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn Thành phố”. Kết quả có gần 225 đại biểu tham dự; với 53 bài viết và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Qua đó, cung cấp các căn cứ chính trị, luận cứ khoa học để thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực các chỉ dẫn của Tổng Bí thư trong tác phẩm, trên địa bàn TPHCM. Từ đó giúp quyết tâm đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý phát triển bền vững Thành phố trong bối cảnh phát triển mới.
7. Hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM được thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thông qua các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Qua đó, đã lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền Thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM, do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương ban hành các quy định, quy chế, chương trình công tác cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo. Đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đi vào nền nếp, hiệu quả, đã tổ chức 4 phiên họp của Ban Chỉ đạo, 4 cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Sau các phiên họp, cuộc họp đều có thông cáo báo chí để tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố.
8. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên
Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện 51 chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn phát triển của Thành phố. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy: kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; ban hành Quy định về chế độ tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Hầu hết các nội dung kiểm tra, giám sát đã hoàn thành vượt chương trình, kế hoạch đã đề ra.
9. Kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thực hiện chủ đề năm 2024 của Thành phố về “Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.
Hệ thống dân vận đã tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai chủ đề năm của Đảng bộ TPHCM trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường, tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; xử lý kịp thời, các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Lấy sự đồng thuận, hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hội thi cán bộ “Tham mưu tốt - Dân vận khéo” năm 2023; triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người cán bộ dân vận”.
10. Đẩy mạnh thực hiện “Dân chủ ở cơ sở” gắn với phát huy quyền làm chủ nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nội dung “5 không” trong hệ thống chính trị Thành phố.
Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TPHCM duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023; tổ chức 2 lớp tập huấn công tác dân vận của chính quyền, dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát cho hơn 11.600 người tham dự, từ 367 điểm cầu trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra hệ thống chính trị ở cơ sở còn tập trung quán triệt, triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực công tác, đời sống xã hội, như: chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công khai minh bạch tiến độ, chất lượng các công trình dự án. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nội dung “5 không” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với chủ đề năm của Thành phố…