10 phút và 5.000 USD

Có lẽ còn hấp dẫn hơn cả những phiên đấu giá tranh Việt trên sàn quốc tế, họa sĩ N. (sinh sống và làm việc tại Hà Nội) đăng tải hình ảnh tác phẩm mình muốn bán trên trang cá nhân với giá 5.000 USD.
Khách tham quan triển lãm tranh
Khách tham quan triển lãm tranh

Chưa đầy 10 phút, đã có nhà sưu tập chốt đơn và hơn 12 giờ sau đó, nội dung bán tranh của họa sĩ N. nhận được gần 6.000 lượt yêu thích, gần 300 lượt chia sẻ và hơn 400 bình luận hỏi mua, dù họa sĩ thông báo tranh đã được bán. Điều đáng nói, bức tranh được bán trên trang cá nhân của họa sĩ mà chẳng cần phải quảng cáo hoặc giới thiệu rầm rộ từ trực tiếp tới trực tuyến như các sàn đấu giá chuyên nghiệp vẫn thường làm trước các phiên “gõ búa”.

Tranh của họa sĩ bán được là một điều đáng mừng, nhưng song song đó vẫn còn nhiều câu hỏi về đời sống mỹ thuật trong nước hiện nay. Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng nhiều cuộc triển lãm trong nước thiếu bóng khách tham quan; nếu có thì cũng chủ yếu là người trong giới, sinh viên các trường mỹ thuật - kiến trúc, một số ít các nhà sưu tập… Người quan tâm và thực sự yêu mến, cảm thụ hội họa gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cá biệt, có những triển lãm quy mô, không gian được đầu tư hào nhoáng thu hút rất đông khách, kể cả có thu phí vào cửa, nhưng lý do thu hút lại nằm ngoài yếu tố nghệ thuật. Chỉ bởi những bức ảnh check-in trong không gian đậm tính nghệ thuật này được xem như là một cách để “định vị” bản thân và khẳng định đẳng cấp với một số người.

Bên cạnh đó, còn một thực tế không mấy vui vẻ nữa, là khi nói đến hội họa, nhiều người vẫn mặc định những giá trị vật chất của tác phẩm như mức giá ngàn, trăm ngàn đô… hơn là yêu thích nội dung, hay cảm thụ tác phẩm. Thậm chí, có không ít những chiếc nơ tại các triển lãm được dán lên tác phẩm chỉ vì một lời nói khích qua lại với nhau. Để khẳng định túi tiền của bản thân, nhiều “tay chơi” sẵn sàng dán nơ dù chưa kịp xem qua tác phẩm và đôi khi mua rồi cũng không biết phải làm gì vì không đủ trình độ cảm thụ tác phẩm.

Dù sao, 10 phút và 5.000 USD cho một bức tranh cũng có thể xem là tín hiệu mừng cho thị trường mỹ thuật, khi công chúng dần quan tâm hơn đến ngôn ngữ tạo hình qua màu sắc, đường nét… Đặc biệt là thông tin nhiều nhà sưu tập tham gia vào các thương vụ mua tranh hiện là người trẻ, thậm chí là thế hệ GenZ. Họ không chỉ có tầm nhìn của những nhà sưu tập chuyên nghiệp mà còn chủ động tự học hỏi chuyên sâu về mỹ thuật. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng cho một đời sống mỹ thuật chuyên nghiệp, nơi việc cảm thụ cái đẹp sẽ không chỉ là những con số nhất thời.

Tin cùng chuyên mục