Nhóm 1: Triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch, chăm sóc và quản lý các bệnh không lây nhiễm và các chương trình sức khoẻ tại cộng đồng (theo hướng chuyển sang khám, chữa bệnh BHYT).
Nhóm 2: Tiếp tục triển khai các hoạt động củng cố và nâng cao năng lực của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, tham gia xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng (khu vực Đông Nam bộ).
Nhóm 3: Nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng trên địa bàn Thành phố, trình lãnh đạo Thành phố phê duyệt và triển khai thí điểm.
Nhóm 4: Triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số trong toàn ngành y tế, chú trọng xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế, khởi động lộ trình lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân Thành phố.
Nhóm 5: Hoàn thiện đề án trình UBND TPHCM phê duyệt “Đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tổ chức nghiên cứu, học tập các mô hình công nghiệp dược thành công tại các nước trong khu vực.
Nhóm 6: Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả và những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tự chủ bệnh viện, trên cơ sở đó, xây dựng các cơ chế chính sách giúp ổn định hoạt động tự chủ tại các bệnh viện công lập trình lãnh đạo Thành phố phê duyệt và thí điểm thực hiện.
Nhóm 7: Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước và xây dựng đề án “Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao” (đặt tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu).
Nhóm 8: Xây dựng đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại cho Trung tâm Cấp cứu 115 và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành mạng lưới xe cấp cứu.
Nhóm 9: Xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế của huyện Cần Giờ, bao gồm cả kế hoạch và lộ trình tái thành lập bệnh viện huyện Cần Giờ.
Nhóm 10: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cung ứng dịch vụ công của ngành y tế Thành phố; Đẩy nhanh các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành y tế, đảm bảo giải ngân đúng tiến độ; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về hành nghề y tế tư nhân, tăng cường các giải pháp giúp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trái quy định pháp luật.
Theo Sở Y tế TPHCM, năm 2023, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới nổi vẫn còn là một thách thức lớn, ngành y tế Thành phố sẽ chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời và kiểm soát hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Đồng thời, khởi động "Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm” – một chương trình can thiệp dựa vào cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới" (gọi tắt là Chương trình WHO PEN); phát hiện và chăm sóc người mắc các bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm – đang có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ mắc sau đại dịch Covid-19.
Năm 2023 cũng là năm ngành y tế cùng UBND các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ đẩy nhanh việc cải tạo nâng cấp 146 trạm y tế xã, phường từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ; tiếp tục triển khai thí điểm chương trình đào tạo thực hành lâm sàng tại bệnh viện cho các bác sĩ mới tốt nghiệp gắn liền với thực hành tại trạm y tế.
Bên cạnh đó, triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở (thay vì để Trung tâm y tế quận, huyện thực hiện như thời gian qua) nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Theo Sở Y tế TPHCM, mặc dù vừa trải qua thời gian dài chống dịch Covid-19, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố sẽ nỗ lực phát triển các kỹ thuật chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới xây dựng một Trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, ngành y tế sẽ khởi động xây dựng một đề án quan trọng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua, đó là xây dựng một Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh. Không ngừng cải cách các thủ tục hành chính, cải tiến chất lượng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hướng đến làm tăng sự hài lòng của người dân.
Tiếp tục phát huy các hoạt động hướng về người bệnh, hướng về nhân viên y tế, và hướng về người dân có sử dụng các dịch vụ hành chính công của ngành y tế, bao gồm: Chương trình “Lắng nghe và trao đổi với người dân từng có thời gian nằm viện”; Chương trình “Lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế”; Chương trình “Đối thoại và lắng nghe ý kiến góp ý của người dân sau khi sử dụng dịch vụ hành chính công tại cơ quan Sở Y tế”.
4 đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt bao gồm: 1. Đề án Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. 2. Đề án Củng cố tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) giai đoạn 2022-2025. 3. Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. 4. Đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển khu công nghệ y, dược kỹ thuật cao TP. Hồ Chí Minh trong tương lai không xa. |