10 ngày chiến đấu với dịch bệnh tại nhà

LTS: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TPHCM đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, đòi hỏi sự quyết tâm từ các cấp chính quyền đến từng người dân. Từ ngày 16-8, TPHCM triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng với mô hình “3 tại chỗ”, trong đó chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần cho người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Báo SGGP xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả - nạn nhân Covid-19 ở TPHCM, ghi lại những nỗ lực của gia đình khi vượt qua dịch bệnh tại nhà.

 

 

Gia đình tôi gồm có 4 người. 2 vợ chồng tôi và con trai (9 tuổi), con gái (4 tuổi), thế nhưng có đến 3 người bị mắc Covid-19.  Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng tưởng chừng như kiệt quệ với những hy vọng mong manh. Nhưng bằng nỗ lực và áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà phù hợp, chúng tôi đã vượt qua...

Test mắm tôm: không nghe mùi!

Ngày đầu: Vợ tôi họp online xong than mệt. Tôi không suy nghĩ nhiều vì thường “đến tháng”, vợ tôi cũng có những biểu hiện mệt mỏi. 

 Bác sĩ tư vấn tâm lý hướng dẫn các bài tập thể dục nhẹ giúp bệnh nhân F0 tại Bệnh viện Huyện Củ Chi rèn luyện thể chất, mau chóng chiến thắng dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngày thứ 2: Khoảng 5 giờ sáng, vợ tôi thức vì người rêm nhức, từ tay chân, cơ bắp, nhức từ trong xương ra. Vợ chồng ăn sáng qua loa rồi uống 1 viên thuốc giảm đau. Nhưng làm việc cỡ 15 phút, vợ tôi thở dốc… Tới chiều, tôi bắt đầu sốt 37,5oC. Tôi vội chườm khăn lạnh để bớt sốt. Đến tối, lại trên 38oC, nóng hầm hập. Lúc đó tôi mới uống thuốc sủi hạ sốt. Vợ chồng ngủ sớm dù giấc ngủ chập chờn. 


Ngày thứ 3: Sáng, tôi lại sốt kèm sổ mũi và hơi đau họng. Tôi bán tín bán nghi! Không lẽ, con Covid-19 đã đến nhà mình? Vợ gọi ra ngay bếp để test vụ “hít mùi”. Một chai nước mắm Phú Quốc 45 độ đạm, chai mắm tôm được đưa sát vào mũi. Mùi hương rất nhẹ, thoang thoảng. Vợ khẳng định: “Chắc dính Covid-19 rồi!”. Đến chiều tối, vợ chồng rơi vào cảm giác không muốn ăn uống gì vì người đau nhức, oải cơ. Bắc nồi cháo lên, vợ chồng con cái húp cho qua bữa rồi uống sữa, đi ngủ. Giấc ngủ chập chờn, khoảng 2 tiếng là bật dậy. Miệng bắt đầu có cảm giác đắng. 

Gọi điện cho đứa em làm tình nguyện viên trong khu cách ly, tả triệu chứng. Em nói: “Rồi xong, dính Covid-19!”. Em nó đã tiêm vaccine nên chỉ bị có 3 ngày. “A lô” y tế phường; họ kêu tạm thời cả nhà tự cách ly, theo dõi tiếp. Nếu dính Covid-19 phải có máy đo huyết áp và máy đo nồng độ oxy trong máu nên vợ chồng cầu cứu bà nội ở khu Tân Định, quận 1. Sau vài tiếng, một combo thuốc hạ sốt, nước súc họng, súc mũi, vitamin và máy đo oxy được chuyển cấp tốc về khu Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Tối đó, tôi tiếp tục sốt; vợ không sốt nhưng nhức mỏi và khó thở. Vợ chồng ngủ nửa tỉnh nửa mê. Lúc tỉnh, ráng ngồi dậy đo huyết áp và oxy cho nhau. Oxy trong máu vẫn ổn: 97%-98%, chúng tôi ráng uống chút sữa nóng, uống giảm đau để dễ ngủ chờ trời mau sáng. 

Ngày thứ 4: Vợ chồng thức dậy với cơn nhức đầu kinh khủng và miệng đắng chát. Mùi và vị không còn cảm giác gì, kể cả chai mắm tôm dí sát mũi. Ăn sáng không nổi, vợ chồng pha ly sữa nóng uống. Khoảng 9 giờ sáng, nhân viên y tế có mặt, test nhanh, lên 2 vạch. Cả nhà được lấy mẫu làm luôn PCR. Đến chiều, kết quả PCR: chỉ con út âm tính. Lập tức, mọi công việc được gác lại, tập trung “cuộc chiến” này. 

Hít sâu vào bằng mũi - thở ra bằng miệng

Tối đó, vợ chồng bắt đầu mệt nhiều, ăn vào là nôn hết. Vợ chồng nhắc nhau đổ nước sôi vào cơm để ăn. Không bỏ cuộc được vì cơ thể yếu là cơ hội để virus tấn công. Người lừ đừ, mỏi nhừ cơ bắp, đầu nhức búa bổ. Vợ tội hơn, môi sưng, bong tróc từng mảng, lở miệng, đau rát, ăn uống rất khó khăn. 

Vợ chồng liên lạc với bác sĩ ở khoa Nhiễm D của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bác sĩ bảo nếu đo huyết áp và oxy trong máu ở ngưỡng an toàn thì nên ở nhà tự chăm sóc nhau. Cho con gái út âm tính vào phòng riêng, tạm thời cách ly. “Nếu oxy trong máu đo dưới 94% kèm mệt nhiều thì phải tìm mọi cách đến bệnh viện. Mức độ O2 khoảng 94%-95% thì bác sĩ vẫn có thời gian xử lý”. Vợ chồng nghe vậy cũng an tâm, uống hạ sốt đi ngủ. Mỗi sáng ăn lót dạ chút bánh ngọt, sau đó uống 1 viên sủi Berocca, uống nước chanh gừng và rất nhiều nước ấm. Bình thường 2 lít nước, khi mắc Covid-19 phải uống gấp đôi để giảm tải lượng virus qua nước tiểu và tránh mất nước. Phòng ốc mở toang cửa sổ, có quạt thì mở lên ở mức cao nhất để tản bớt lượng virus. Vợ chồng thỉnh thoảng xông mũi bằng nước chanh, sả pha tinh dầu khuynh diệp. 

Ngày thứ 5 - 6: Vẫn ăn uống không nổi nhưng ráng ăn bằng được. Giấc ngủ chập chờn nguyên đêm vì mệt và thở dốc. Vợ chồng ngồi tựa lưng vào giường tập thở theo các bài thở: hít sâu vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Làm được khoảng chục cái thì vợ mình mệt quá, hít không nổi, mỗi lần hít vào là đau ngực.  

Đến chiều, con trai sốt, tôi lo quá vì nó vốn hen suyễn. Gọi điện bác sĩ Trương Hữu Khanh, được tư vấn con nít nếu không béo phì, bị mắc Covid-19, hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng sẽ rất nhẹ, đừng quá lo. Bác sĩ kê thuốc chống buồn nôn và thuốc kháng viêm cho vợ chồng và bảo từ từ sẽ giảm triệu chứng và hết. 

Ngày thứ 7: Vẫn ăn uống không nổi, nhìn cơm cháo gì cũng muốn buồn nôn, chóng mặt, đau nửa đầu. Vợ lúc này lại bị “tới tháng”. Dồn dập cùng lúc nguyên combo: ớn lạnh, đau nhức người, khó thở, buồn nôn và thêm đau bụng kinh, hành lên bờ xuống ruộng. Cứ 4 tiếng phải uống thuốc để giảm triệu chứng. Vợ ngậm bánh quy cho tan rồi uống nước cầm hơi. 

Ngày thứ 8: Các triệu chứng bắt đầu giảm. Vợ chồng không còn sốt. Nhiệt độ ổn định ở 36 - 37oC. Vợ chồng hết đau nhức xương khớp. Sáng đó, vợ bắt đầu ngửi lại được mùi, nhưng chỉ uống được sữa đặc có đường pha nóng và tiếp tục ngậm bánh quy. Tôi nuốt cháo không nổi nên quay lại công thức nước sôi + cơm, được vài muỗng. Đến tối, thấy cơ thể khỏe hơn và ngủ được thẳng giấc lần đầu sau 7 ngày. 

Ngày thứ 9: Vợ chồng mệt lại, hơi thở nông, gấp. Lại dùng máy đo oxy trong máu và máy đo huyết áp. Các chỉ số vẫn trong ngưỡng cho phép nên vợ chồng tự tin hơn, động viên nhau uống sữa, ăn bánh… Mừng là 2 đứa con hầu như không triệu chứng gì, vẫn ăn uống, coi tivi bình thường.

Theo dõi cơ thể, đừng quá lo lắng!

Ngày thứ 10: Vợ chồng mừng muốn khóc vì ngửi lại được mùi, cảm được vị giác, có cảm giác thèm ăn và ngon miệng trở lại. Hơi thở không còn mệt. Giấc ngủ sâu hơn. 

Ngày thứ 11: Cơ thể hồi phục 90% năng lượng. Những cơn đói bắt đầu kéo đến liên tục, có thể ăn được tất cả… 

Chúng tôi rút ra bài học: Hãy lo cho người lớn khi mắc Covid-19, vì trẻ con ít bị ảnh hưởng. Con trai nặng 28kg chỉ sốt 1 bữa, cho uống hạ sốt là xong, bình thường như một cơn cảm. 

Ăn để sống! Nếu không, cơ thể suy kiệt dần tạo điều kiện cho virus tấn công nhanh. Nếu ăn không được, thì nấu nồi cháo trắng, đậu xanh (đừng cố gắng có thịt, cá vì cơ thể lúc này cần giảm béo, đạm để tăng oxy tối đa cho tế bào) và cứ cách 2 tiếng thì húp. 

Uống thật nhiều nước ấm và tăng cường rửa mũi, súc họng, miệng. Ngửa đầu và xịt toàn bộ chai nước rửa mũi vào một bên mũi. Rửa đến khi nào thấy sạch, thông mũi (nước nhỏ vào, chảy thẳng xuống họng). Sau đó, dùng dung dịch súc họng sát khuẩn. Chế ít nước rửa họng (khoảng 5ml) và ngửa cổ để nước xuống cổ họng càng sâu càng tốt và khò. Cứ để yên như vậy đi ngủ, không uống nước. 

Điều quan trọng là theo dõi cơ thể. Hãy đo chỉ số O2 trong máu thường xuyên, khoảng 96% - 99% là ổn. Khi mức oxy xuống 95%, thở gấp mệt 30 lần/phút, hãy liên hệ nhân viên y tế và đi bệnh viện ngay. 

Mọi người nên tranh thủ tiêm vaccine, vì vaccine tốt nhất hiện giờ là vaccine được tiêm sớm nhất, để lỡ có mắc Covid-19 thì không bị nặng như chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục