Tầm nhìn lớn
Theo bài viết, kế hoạch xoay trục được công bố tại Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2012. Các mục tiêu trong đó được mô tả là phát triển vùng Viễn Đông của Nga, đa dạng hóa quan hệ kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện tổng thể của Moscow tại đây. Vài năm sau, Nga thông báo về một tầm nhìn lớn hơn nhiều là Đại Á - Âu, bao gồm các quốc gia Đông, Đông Nam và Nam Á, cũng như Trung Á và châu Âu. Nói cách khác, việc xoay trục sang phía Đông được đưa vào một khuôn khổ rộng lớn hơn, ngụ ý rằng thành công ở các tiểu vùng khác nhau của Đại Á - Âu sẽ góp phần vào việc thực hiện tổng thể chính sách của Nga.
Kể từ khi nhận thấy sự thay đổi lâu dài trong chính trị thế giới, Nga đã nhiều lần nêu ý định cải thiện quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược an ninh quốc gia của Nga nhấn mạnh các mục tiêu trong chính sách đối ngoại là phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc và Ấn Độ, đảm bảo sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hỗ trợ các thể chế đa phương trong khu vực, bao gồm ASEAN và các định dạng khác nhau.
Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu của mình tại hội nghị mở rộng của Bộ Ngoại giao Nga đã nói về sự chuyển dịch “trọng tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đòi hỏi Nga phải “tiếp tục phát triển mạnh mẽ quan hệ với các quốc gia” trong khu vực, phù hợp với mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng.
Sự kết nối của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với kế hoạch của Moscow về việc thiết lập Đại Á - Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với việc xác định chỗ đứng của Nga trong trật tự quốc tế đang phát triển.
Còn nhiều thách thức
Việc ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông của Nga đã dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của cả nước nhưng quy mô thị trường chưa đủ lớn. Theo đánh giá, đến năm 2019, vốn đầu tư đổ vào khu vực này chỉ khoảng 2 tỷ USD, là từ doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các đối tác thương mại chính trong khu vực, nhưng kim ngạch thương mại vẫn thấp. Tuy nhiên, Nhật Bản đạt được một số thành công trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Viễn Đông.
Về đa dạng hóa quan hệ kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phần lớn tăng trưởng thương mại với khu vực này là nhờ quan hệ thương mại với Trung Quốc. Số liệu cho thấy thương mại của Nga với Trung Quốc tăng từ 87,5 tỷ USD năm 2012 lên 88,2 tỷ USD năm 2014 và 104,1 tỷ USD năm 2020. Trong khi đó, Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực này, dù theo đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Nga sang châu Á và châu Đại Dương trong giai đoạn 2016-2020 ít hơn 36% so với giai đoạn 2011-2015.
Trên thực tế, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đông Nam Á, nhưng hợp tác của nước này với các tổ chức khu vực và các nước ASEAN đang phát triển chậm. Tuy Nga đang cải thiện quan hệ với các đối tác khu vực nhưng quan hệ kinh tế và chính trị của Nga còn khoảng cách so với các cường quốc khác. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, việc có thể trở thành bên tham gia độc lập trong khu vực cũng không phải chuyện dễ dàng.