Nhà văn Sơn Nam (1926 - 2008) tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ở Kiên Giang. Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng (Long Xuyên) đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.
Nổi tiếng với những tác phẩm văn xuôi và các công trình biên khảo về Nam bộ, nhưng ít ai biết nhà văn Sơn Nam khởi duyên văn nghiệp với thơ. Hai tác phẩm đầu tay của ông là tập thơ Lúa reo, xuất bản năm 1948 và Cho lòng em vui xuất bản hai năm sau đó. Về sau, ông chuyển sang viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và gắn bó với văn xuôi từ đó.
Ngoài dã sử, truyện ngắn, truyện dài… Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh Miệt Vườn, Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa… Biên khảo viết với giọng văn không “lên gân” mà giản dị như lời một người hướng dẫn viên giới thiệu về miền đất quê hương.
Từ tháng 2-2002, nhà văn Sơn Nam bắt đầu kí kết với NXB Trẻ. Đến tháng 4-2003, NXB Trẻ chính thức mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam, hệ thống lại và độc quyền xuất bản trên toàn thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày giỗ của ông, NXB Trẻ tái bản 20 tựa sách gồm những tác phẩm vốn đã được in trước đây, nhưng lần này sẽ có sửa chữa, bổ sung và chia theo các nội dung: tập truyện ngắn/ truyện dài/ ghi chép/ biên khảo/ bút ký… để nhằm tránh trùng lặp và bạn đọc có thể dễ dàng chọn sưu tập theo chủ đề.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam không thuộc hàng sách bán chạy nhưng lại bán rất bền, năm nào cũng có tái bản. Và đặc biệt, mùa bán sách Sơn Nam nhiều nhất là vào dịp Tết; đối tượng mua sách Sơn Nam nhiều nhất là Việt kiều. Trong số 20 tác phẩm được giới thiệu dịp này, có nhiều tác phẩm được in đến lần thứ 7 như Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa - Người Sài Gòn; lần thứ 5 như: Đồng bằng Sông Cửu Long: Nét sinh hoạt xưa - Văn minh miệt vườn; Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam…
Cũng tại chương trình “10 năm nhớ Sơn Nam”, ông Nguyễn Minh Nhựt còn chia sẻ hai hoạt động là tặng học bổng và tủ sách Sơn Nam. Cụ thể, sẽ có 100 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng dành cho các học sinh nghèo học giỏi của tỉnh Kiên Giang - quê hương của nhà văn Sơn Nam. Tháng 4 vừa rồi, NXB Trẻ phối hợp cùng Sở Giáo dục & Đào tạo Kiên Giang đã trao tặng 20 suất. Riêng với Tủ sách Sơn Nam, NXB Trẻ sẽ tặng 100 bộ sách, mỗi bộ gồm 20 tựa sách trị giá hơn 4 triệu đồng cho các trường THPT tại Nam Bộ, mà trước mắt là tỉnh Kiên Giang. Sau đó sẽ là Cà Mau và Tiền Giang - nơi có nhà lưu niệm Sơn Nam.
Đặc biệt, để Tủ sách Sơn Nam được đến rộng rãi hơn với nhiều đối tượng trong xã hội, ông Nguyễn Minh Nhựt bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của các đơn vị tổ chức trong xã hội. Bên cạnh phiên bản sách Sơn Nam bình thường, sẽ có những phiên bản khác nhau dành cho các đơn vị liên kết.
Trước thông tin mà nguyên Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ, bà Quách Thu Nguyệt tâm sự: “Thông tin về học bổng và tủ sách Sơn Nam là một tin vui rất lớn cho chúng ta. Và đặc biệt là hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 10 năm mất của nhà văn Sơn Nam. Chúng tôi rất lấy làm cảm ơn ông vì đã để lại một gia tài đồ sộ không chỉ cho con cháu mà cho cả NXB và công chúng”.
Bà Quách Thu Nguyệt nói thêm: “Việc xây dựng tủ sách Sơn Nam cũng như học bổng Sơn nam dành cho Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn toàn là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Bởi vì, chúng ta xem lại toàn bộ công trình của “ông già Nam Bộ”, rõ ràng cái đau đáu và cái gửi gắm của ông chính là cho mảnh đất phương Nam này”.
Tại chương trình “10 năm nhớ Sơn Nam”, nhà văn Đoàn Thạch Biền đã gửi tặng gia đình nhà văn Sơn Nam một số tác phẩm, là những bản in đầu tiên trong đó có tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, do nhà văn Đoàn Thạch Biền cất công sưu tầm và cẩn thận đóng thành tuyển tập.