Lần nói chuyện cuối cùng với anh là lúc anh vừa hồi tỉnh sau cơn đau xé. Đó là những ngày cuối tháng 10 năm 1999. Anh nằm trên giường bệnh, gương mặt hốc hác xanh xao... Anh nói qua hơi thở khi nhắc lại thời niên thiếu của mình, nhưng khi câu chuyện xoáy dần qua âm nhạc, anh dường như thoát khỏi cơn bạo bệnh. Giọng anh sôi nổi và nồng nhiệt một cách kỳ lạ. Anh say sưa nói về con đường anh đã đi qua và vạch ra con đường đi tới cho học trò anh… Và cũng đau lắm khi nghĩ về con đường chông chênh của những học trò mà anh đang gắng công gầy dựng.
10 năm, nghe lại giọng nói của anh qua cuốn băng ghi lại cuộc chuyện trò ngày nào, càng nghe càng thấm thía, và hiểu vì sao ngày giỗ anh, nhiều thế hệ học trò của anh đã tụ họp về với tấm lòng yêu kính anh dường ấy. Những học trò đầu tiên của anh bây giờ đã trở thành tên tuổi lớn trong làng violon của Việt Nam như GS- NSƯT Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; GS-TS Bùi Công Thành, Phó Giám đốc Nhạc viện quốc gia Magnitogosk; NSƯT Nguyễn Châu Sơn, Chủ nhiệm khoa đàn dây Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam… Và kế tiếp là những tài năng trẻ do anh phát hiện và đào tạo: Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Nguyệt Thu, Tăng Thành Nam, Lê Minh Hiền, Bùi Công Duy… Tất cả họ sẽ trở về trong đêm biểu diễn tưởng nhớ anh.
Còn nhiều lắm những học trò ở xa không về được trong ngày giỗ anh đã bày tỏ sự yêu kính người thầy bằng tấm lòng biết ơn vô hạn qua những lá thư từ nửa vòng trái đất gửi về: “Em xin chị Trà Giang thắp giúp chúng em nén nhang cho anh, những học trò vắng mặt ngày tưởng nhớ 10 năm mất anh…
Dù chưa có cuốn lịch sử violon để ghi lại công lao anh, nhưng tất cả học sinh đã từng được anh dạy dỗ, dẫn dắt, nay người là giảng viên trong nước, người làm việc ở nước ngoài đều nhớ mãi công lao và tấm lòng anh. Anh hết lòng và không quản ngại công sức, tìm mọi điều kiện cho những học sinh có khả năng ra nước ngoài học để tiến xa hơn. Anh dẫn dắt học trò giỏi đi dự thi ở nước ngoài và trong nước. Đó là tấm lòng mà những học trò cũ của anh: Mạnh Hùng, Võ Hà, Khắc Hoan không bao giờ quên. Những học trò ấy của anh trong ký ức luôn luôn có anh như người anh, người thầy hết lòng bảo vệ, che chở cho mình trên mỗi bước thăng trầm trong sự nghiệp… Chúng em xin được thay mặt các cháu ở London, ở Mỹ cúi lạy trước vong linh giáo sư…”.*
Khi nói về anh, Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam khẳng định: “Một người thầy như anh Ngọc là rất hiếm, người thầy mà tất cả các học trò đều quý mến, thương yêu. Bởi vì anh đã làm được hai việc mà chỉ có những người thầy tâm huyết mới làm được. Đó là phát hiện được năng khiếu của từng học sinh và tạo mọi điều kiện để bồi dưỡng cho các em được tiến xa hơn”.
Vì sao tâm huyết cả đời anh chỉ đau đáu nỗi lo toan cho học trò như thế. Là bởi vì bản thân anh đã trải nghiệm qua cảm giác hạnh phúc như thế nào khi được phát hiện và nâng đỡ. Nhà anh nghèo, cha làm công nhân, mẹ còn không biết chữ, anh theo Đoàn Văn công Liên khu V từ năm 10 tuổi và được tuyển vào đội múa. Nhưng cậu bé say đàn violon đến nỗi ông trưởng đoàn phải chấp nhận cho nghệ sĩ violon Ngụy Dzóach dạy cho cậu những bài học vỡ lòng. Từ đó, cây đàn violon giống như có ma thuật với cậu văn công múa, cậu say đắm và tập luyện bất kể giờ giấc khi rảnh rỗi.
Năm 1958, giáo sư chuyên gia Liên Xô G. Khotjaev đã phát hiện ra anh, mang anh về nhà dạy riêng, và nhận vào lớp của giáo sư. Sau khi tạo điều kiện cho anh biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn, năm 1960 anh được thầy đưa đi đào tạo ở Nhạc viện P.T.Traikovsky (Moskva). 9 năm học ở nhạc viện nổi tiếng thế giới để lấy được tấm bằng tiến sĩ là cả một kỳ tích đối với một học sinh bắt đầu học đàn quá muộn màng như anh.
Anh vào đại học mà không thông qua các lớp sơ cấp và trung cấp chính quy, nên muốn theo kịp các bạn để bù đắp những thiếu hụt lớn về kỹ thuật cơ bản, anh đã phải luyện tập như điên và nỗ lực gấp 10 lần. Sự phát hiện của thầy G.Khotjaev đối với anh như chiếc đũa thần, thầy đã thay đổi cả cuộc đời anh, mang anh đến với ước mơ cháy bỏng của mình. Vì thế ngay từ khi còn học ở Liên Xô, tâm nguyện khi trở về nước của anh là muốn tất cả những em có năng khiếu âm nhạc phải được phát hiện và được đào tạo như anh.
Nhiều thế hệ học sinh của anh đã thành đạt đã vươn đến tầm cao của sự nghiệp âm nhạc. Các em được anh bồi dưỡng, nâng niu và đưa đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng nhiều em đã không trở về...
Trên giường bệnh, nói về điều đó, anh ứa nước mắt. Anh không hề trách học trò, bởi ngay như con gái anh, Bích Trà cũng đành chọn Anh quốc làm nơi phát triển sự nghiệp. Bởi vì anh biết rõ những tài năng ấy sẽ khó phát triển khi trở về phục vụ quê hương. Anh từng quá đau lòng khi hai học sinh của anh đoạt giải cao violon toàn quốc, đã phải chuyển sang học Đại học Bách khoa. Làm sao mà quên được nét mặt đau đớn của anh khi nhắc việc học trò nhạc viện khi tốt nghiệp phải kiếm sống trong các quán cà phê, quán bar...
Làm sao nhạc giao hưởng trở lại như thời kỳ thập niên 60. Đó không phải là nỗi lòng của riêng anh mà là của tất cả những người trong làng giao hưởng. Anh nói, những năm đó, ta có 4 dàn nhạc giao hưởng và nhiều đoàn lớn nhỏ khác thu hút nghệ sĩ rất đông. Sinh viên ra trường biết chắc mình sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và được biểu diễn trước sự thưởng thức nồng nhiệt của khán giả.
Anh ra đi đã 10 năm, nhưng nỗi lòng đau đáu của anh vẫn chưa tan... Nỗi buồn lặng trên gương mặt anh ngày ấy chắc sẽ còn dai dẳng mãi… Đó cũng là nỗi niềm của GS Bùi Công Thành, học trò anh: “Việt Nam đã tham gia Liên hoan các dàn nhạc giao hưởng châu Á và đứng thứ ba sau Nhật Bản và Trung Quốc. Các nghệ sĩ ta chơi hay lắm, nhưng rất tiếc sự kiện này không được trong nước đón nhận và tôn vinh... Trong khi ấy, người Hàn Quốc đã nói: “Giờ đây chúng tôi có thể ngẩng cao đầu để nói rằng chúng tôi có dàn nhạc giao hưởng của chúng tôi”.*
Việt Nam đã có dàn nhạc giao hưởng từ nửa thế kỷ trước, nhưng hiện nay, chúng ta có ngẩng cao đầu vì niềm tự hào ấy?
NGÔ NGỌC NGŨ LONG
* Thư do NSND Trà Giang cung cấp.
* Trích bài PV GS Bùi Công Thành của Tùng Sơn trên Báo Tuổi Trẻ.