Việt Nam

10 năm gia nhập ASEAN

10 năm gia nhập ASEAN

Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á). Trong 10 năm qua, Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Tại các diễn đàn ASEAN, các sáng kiến và tiếng nói của Việt Nam luôn được lắng nghe và coi trọng. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số cột mốc tư liệu quan trọng trong quá trình này.

10 năm gia nhập ASEAN ảnh 1

Việt Nam chủ trì cuộc họp ASEAN+Mỹ tại Hà Nội ngày 26-7-2001.

Buổi sáng ngày 28-7-1995, quốc kỳ Việt Nam đã được kéo lên tại Trung tâm hội nghị Quốc tế tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei đánh dấu việc Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN bên cạnh Brunei, Malaysia, Indonesia, Phillippines, Singapore, Thái Lan và mở đầu cho quá trình thống nhất, quy tụ cả 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam châu Á vào tổ chức này. Sau Việt Nam, các nước Lào, Campuchia, Myanmar cũng gia nhập ASEAN.

Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, tổ chức này đã có những chuyển biến quan trọng về cả lượng và chất, trở thành nhân tố thiết yếu cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở Đông Nam Á, Đông Á –Thái Bình Dương và thế giới. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN cũng là kết quả của việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động tích cực hội nhập khu vực và thế giới mà Đảng và Nhà nước ta đã vạch ra.

Công tác chuẩn bị đã được bắt đầu từ mấy năm trước. Và khi mọi việc hoàn tất, ngày 17-10-1994, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã gửi thư cho Ngoại trưởng Brunei, nước Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) chính thức đặt vấn đề Việt Nam gia nhập ASEAN.

Lúc đó, việc nước ta gia nhập ASEAN được sự ủng hộ trong và ngoài nước, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng sẽ có khó khăn như sự khác biệt về chế độ chính trị giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Từ trước đến thời điểm đó, nước ta chỉ mới tham gia vào một khối là khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế gồm các nước Đông Âu và Nga, nói tiếng Nga…) vì thế Việt Nam còn thiếu cán bộ nói tiếng Anh để mỗi năm tham dự gần 300 cuộc họp của ASEAN…

Để khắc phục khó khăn trên, công tác thông tin tuyên truyền đã được thực hiện từ rất lâu trước mốc 1995. Với sự giúp đỡ của các nước Singapore, Canada, Nhật, Malaysia, Australia, các tổ chức quốc tế như UNDP, SIDA, Hội đồng Anh… chúng ta đã tổ chức các khóa huấn luyện về ASEAN, đào tạo ngoại ngữ cho các cán bộ, chuyên viên các bộ, các ngành, cơ quan trung ương, đoàn thể, tỉnh.

Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao đã gấp rút biên soạn và phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia cho ra đời cuốn sổ tay về ASEAN. Ngày 24-9-1994, Vụ ASEAN chính thức được thành lập tại Bộ Ngoại giao và giữa năm 1995, nước ta đã có bộ máy tương đối hoàn chỉnh để hợp tác với ASEAN.

Công tác tuyên truyền đối ngoại cũng được thực hiện tốt. Ta đã tranh thủ được sự ủng hộ hợp tác của nhiều nước trong khu vực. Tại lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia tuyên bố việc Việt Nam vào ASEAN sẽ làm tăng sức sống và sức mạnh tập thể của ASEAN chứ không chỉ đơn thuần tăng thêm số thành viên từ 6 lên 7. Ngoại trưởng Philippines cũng tin tưởng Việt Nam sẽ tạo động lực chung để tăng cường vai trò và ảnh hưởng quốc tế của ASEAN.

10 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho quá trình phát triển vào ASEAN như tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN 6 năm 1998, đóng góp vào xây dựng “Chương trình hành động Hà Nội” và các biện pháp cụ thể để thực hiện “Tầm nhìn ASEAN 2020”; tham gia xây dựng văn kiện “Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân”.

Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC), nước ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng như hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMMM-34) năm 2001; thông qua “Tuyên bố Hà Nội” về thu hẹp khoảng cách phát triển. Nhờ vị trí địa lý - chính trị - quân sự quan trọng nên từ khi tham gia diễn đàn khu vực (ARF), Việt Nam đã góp phần xây dựng ARF thành một diễn đàn quan trọng đối thoại về an ninh khu vực.

Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối ngoại giữa ASEAN với các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật… Cùng với quan hệ Việt -Trung được cải thiện nhanh chóng trong thập niên qua, vị thế địa lý chiến lược và sự phát triển năng động của Việt Nam thực sự đã và đang đóng góp một phần quan trọng làm cho ASEAN-Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, hiểu biết và hợp tác nhiều hơn.

Việt Nam cũng đóng vai trò không nhỏ trong cân bằng chiến lược và ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là trong cân bằng chiến lược Mỹ-Trung. Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á.

Hiện nay, thách thức lớn đang đặt ra là nước ta phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh có sự khác nhau về cơ cấu kinh tế và cách biệt về trình độ phát triển.

Tình hình quốc tế đòi hỏi Việt Nam cũng như các thành viên khác trong ASEAN phải tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau đưa ra những ý tưởng mới và các biện pháp thực hiện các ý tưởng đó để có thể biến ý tưởng của “tầm nhìn 2020” thành hiện thực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. 

HOÀNG DÂN

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN: 1995: 1,1 tỷ USD ; 1996: 1,136 tỷ USD; 1997: 1,9 tỷ USD; 1998: 2,3 tỷ USD; 1999: 2,4 tỷ USD; 2000: 2,6 tỷ USD; 2001: 2,5 tỷ USD; 2002: 2,42 tỷ USD; 2003: 2,9 tỷ USD; 2004: 3,87 tỷ USD.

Về đầu tư: tháng 6-1995, các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam gần 200 dự án với tổng số vốn pháp định trên 2 tỷ USD, chiếm 15% FDI vào Việt Nam thời điểm đó. Đến năm 2004, ASEAN đã đầu tư trên 600 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, chiếm 27% FDI vào Việt Nam, đứng đầu là Singapore với 8 tỷ USD.

Các khu công nghiệp của ASEAN tại Việt Nam: Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Bình Dương), Khu công nghiệp Việt Nam – Thái Lan AMATA (Đồng Nai), Khu công nghiệp Việt Nam – Malaysia (Khu chế xuất Đà Nẵng), Khu công nghiệp Việt Nam – Malaysia (Nội Bài, Hà Nội)…

Tin cùng chuyên mục