1. Triển khai phiên bản đầu tiên về hướng dẫn sử dụng các gói thuốc A, B và C
Nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh và tạo tâm lý thoải mái cho người mắc Covid-19 mau hồi phục sức khỏe, ngày 28-7-2021, Sở Y tế TP đã xây dựng phiên bản đầu tiên và ban hành hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe F0 tại nhà, chính thức đánh dấu thời điểm triển khai “mũi giáp công thứ hai” trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố.
Qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia ngành y tế cùng với tham khảo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, Sở Y tế đã đưa các thuốc chống đông và kháng viêm dạng uống vào các gói thuốc điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19, nhằm hạn chế tỷ lệ người bệnh chuyển nặng.
Đến ngày 9-8, Sở Y tế ban hành hướng dẫn quy trình theo dõi chăm sóc F0 tại nhà, bắt đầu cung cấp túi thuốc A, B cho các trung tâm y tế để phát tận tay cho người dân. Đến ngày 25-8, Sở Y tế nhận được các túi thuốc C từ chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mới được Bộ Y tế đưa vào sử dụng có kiểm soát tại cộng đồng cho các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ.
2. Triển khai hiệu quả Trạm Y tế lưu động
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự hỗ trợ trực tiếp của Bộ Quốc Phòng và Bộ Y tế, lần đầu tiên thành phố đã triển khai loại hình các Trạm Y tế lưu động nhằm hỗ trợ cho công tác chăm sóc F0 tại nhà.
Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ: xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn; hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám bệnh và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0; cung cấp và hướng dẫn sử dụng túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà; xét nghiệm cho người F0 trong thời gian cách ly tại nhà; cấp cứu và chuyển viện kịp thời cho người F0 khi có dấu hiệu nặng.
3. Triển khai hiệu quả mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng
Vai trò và chức năng của các bệnh viện dã chiến đã được khẳng định và không thể thiếu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, việc duy trì các bệnh viện dã chiến vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa là một trong những chiến lược y tế lâu dài trong tình hình mới.
Ngay sau khi tiếp nhận các Trung tâm Hồi sức Covid-19 được bàn giao lại từ các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế, ngành y tế thành phố đã triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” ngay tại các bệnh viện dã chiến số 16 (do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách), số 13 (do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phụ trách) và số 14 (do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách).
Các khoa ICU tại tầng 3 của các bệnh viện dã chiến 3 tầng đều thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, chạy CRRT, chạy ECMO. Ngoài ra, tầng 1 và tầng 2 sẽ là các khoa bệnh nhẹ và trung bình, chủ yếu điều trị người mắc Covid-19 có bệnh nền, lớn tuổi.
Nguyên tắc hoạt động của các bệnh viện dã chiến 3 tầng là “không để người bệnh xuất viện ở tầng 3, và không để người bệnh tử vong ở tầng 2”, thay vào đó, bệnh nhân ở tầng 3 khi ổn định sẽ được chuyển xuống tầng 2, bệnh nhân ở tầng 2 khi trở nặng thì được chuyển lên tầng 3.
4. Huy động tổng lực và nhân sự chi viện nhân lực y tế lớn nhất trong lịch sử phát triển của ngành y tế thành phố
Trong đợt cao điểm chống dịch vừa qua, ngành y tế thành phố đã huy động tổng lực nhân viên y tế toàn ngành từ công lập đến tư nhân, cho đến cán bộ y tế đã nghỉ hưu… tham gia các hoạt động chống dịch, cụ thể là: huy động 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm, huy động 1.109 đội tiêm vaccine, thành lập 32 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô 42.798 giường) và chuyển đổi công năng 64 bệnh viện (với quy mô 17.062 giường).
Ngoài ra, ngành y tế còn nhận được sự chi viện 5.656 người của lực lượng quân y đến tham gia các hoạt động chăm sóc F0 tại nhà thông qua loại hình Trạm Y tế lưu động.
5. Đổi mới sáng tạo trong công tác chống dịch xuất phát từ “TÂM” của người thầy thuốc
Đại dịch Covid-19 với biến thể Delta lây lan rất nhanh với chu kỳ dưới 48 giờ, khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên từ các bệnh viện thì dịch bệnh đã thâm nhập sâu vào cộng đồng, nhân viên toàn ngành y tế trải qua những giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn đứng vững, phát huy truyền thống vượt khó, đổi mới sáng tạo với nhiều mô hình lần đầu tiên triển khai nhưng đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác cứu người, tất cả đều xuất phát từ cái “tâm” của người thầy thuốc.
- Mô hình “chăm sóc F0 tại nhà”
- Mô hình “bệnh viện chị” đi hỗ trợ trực tiếp cho “bệnh viện em”
- Mô hình “Trạm Y tế lưu động”, "Tổ chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng"
- Mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng
- Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022”
- Mô hình “Thầy thuốc đồng hành”
- Mô hình cải biến xe vận chuyển hành khách và xe taxi trở thành xe vận chuyển người bệnh
- Mô hình “Tổ Y tế từ xa”
- Mô hình “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng”
- Mô hình “H.O.P.E” chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2.
6. Mười bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch
Ngày 30-10, ngành y tế đã sơ kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch Covid-19. Mười bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ thực tiễn chống dịch, giúp thành phố tiếp tục phát huy và chủ động hơn trong giai đoạn chống dịch tiếp theo.
2/ Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch, triển khai xét nghiệm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp linh hoạt giữa sử dụng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện và nhanh chóng dập dịch.
3/ Cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
4/ Chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột: dựa vào cộng đồng và dựa vào bệnh viện, cụ thể là: phát triển mô hình Trạm Y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà, triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng” chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa chuyển viện.
5/ Huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng chống dịch, phát huy hiệu quả vai trò của các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức thiện nguyện tham gia công tác phòng chống dịch.
6/ Phát huy hiệu quả phối hợp giữa ngành y tế với lực lượng công an, quân đội trong triển khai các hoạt động phòng chống dịch gắn liền với an sinh xã hội.
7/ Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
8/ Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa.
9/ Vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo độ bao phủ vaccine đến từng người dân.
10/ Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, công tác chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.
7. Xây dựng và triển khai 6 chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã đưa ra những nguyên tắc thống nhất trong công tác phòng chống dịch trên toàn quốc trong tình hình mới. Thành phố đang đứng trước những thách thức lớn, đó là vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
1/ Chiến lược bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố, nhằm đạt được độ bao phủ vaccine một cách tuyệt đối nhất, hiệu quả nhất cho người dân và cộng đồng, đặc biệt cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
2/ Chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới hướng đến mục tiêu kép “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”, trong đó triển khai những chiến lược mới về giám sát, xét nghiệm, kiểm dịch phù hợp.
3/ Chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực tập trung chăm sóc cho những người F0 đang cách ly tại nhà, trong đó đặc biệt là các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao phải được theo dõi, chăm sóc và quản lý chặt chẽ.
4/ Chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện tập trung chăm sóc người bệnh có triệu chứng trung bình trở lên và những người thuộc nhóm nguy cơ cao, phấn đấu mỗi quận huyện, TP Thủ Đức đều có cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường để tiếp nhận F0 trên địa bàn.
5/ Chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung truyền thông bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
6/ Chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch, đầu tư thích đáng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng để sẵn sàng ứng phó với những dịch bệnh bùng phát, mới nổi và lan rộng trên phạm vi toàn thành phố.
8. Triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1-12-2021 về phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách điều trị, và qua phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố cho thấy, phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vaccine Covid-19, chưa được sử dụng thuốc kháng virus, ngành y tế đã tham mưu UBND TPHCM triển khai “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.
1/ Cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ
2/ Triển khai xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy cơ
3/ Tăng cường truyền thông đối với các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ
4/ Đẩy mạnh tiêm vaccine đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy cơ
5/ Chăm sóc và điều trị người thuộc nhóm nguy cơ khi phát hiện F0, cho uống ngay Molnupiravir
6/ Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, tăng cường tư vấn từ xa
Những tín hiệu tích cực sau 15 ngày triển khai chiến dịch đã góp phần làm tăng thêm nghị lực và quyết tâm của cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
9. Khởi động đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở
Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên vạn dân của thành phố chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06), trong khi thực tiễn chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy vai trò không thể thiếu của nhân viên y tế tuyến cơ sở trong công tác chăm sóc F0 tại nhà. Đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở được xác định là một trong những đề án cấp bách cần được khởi động ngay từ bây giờ.
Các nội dung chính của đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở đã được ngành y tế xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi bao gồm:
1/ Điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm (như quy định hiện nay) thì cần nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm
2/ Các chính sách tăng mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng để nhân viên y tế cơ sở an tâm công tác
3/ Các chính sách nhằm tăng cường và thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại các tuyến y tế cơ sở.
Đề án thật sự là một yêu cầu cấp bách xuất phát từ thực tiễn, ngành y tế mong nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các bộ, ngành có liên quan để thành phố sớm khởi động và hiện thực hoá đề án.
10. Khởi công xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ
Năm 2021, thành phố đã khởi công xây mới 3 bệnh viện cửa ngõ: Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức. Đây là 3 trong 6 dự án trọng điểm thuộc đề án quy hoạch ngành y tế TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.