Các địa phương được yêu cầu gồm: Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Nông, Hưng Yên, Ninh Thuận, Quảng Trị, An Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Trà Vinh, Hòa Bình, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là những tỉnh triển khai chưa hiệu quả, dẫn đến số lượng hồ sơ GPLX trên Cổng dịch vụ công Quốc gia còn rất thấp. Trong đó, tỉnh Cà Mau mới có 19 hồ sơ thực hiện thành công, Kiên Giang 16 hồ sơ, Đắk Nông 14 hồ sơ, Hưng Yên 10 hồ sơ, Ninh Thuận 10 hồ sơ, Quảng Trị 9 hồ sơ, An Giang 8 hồ sơ, Cao Bằng 5 hồ sơ, Cần Thơ 4 hồ sơ, Trà Vinh 1 hồ sơ.
Để tăng số lượng đổi GPLX trực tuyến, phấn đấu đạt tối thiểu 10% số lượng GPLX đổi trực tiếp trong năm 2023 và tăng dần trong các năm tiếp theo, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu sở GTVT các địa phương nêu trên thành lập các tổ triển khai thực hiện dịch vụ công, mở rộng phạm vi hướng dẫn và phương pháp hỗ trợ tới mọi đối tượng.
Bên cạnh đó, các đơn vị thống kê số lượng hồ sơ đăng ký theo ngày, tuần, tháng và tổng hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo Bộ GTVT, có kế hoạch điều chỉnh, tái cấu trúc phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện dịch vụ công.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 18-9, hệ thống đã tiếp nhận gần 38.000 hồ sơ vụ công toàn trình đổi GPLX trên cổng dịch vụ công Quốc gia, đã hoàn thành xử lý, trả kết quả đổi GPLX trực tuyến cho hơn 31.000 người dân. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 500 - 700 hồ sơ đăng ký đổi GPLX trực tuyến.
Việc đổi GPLX trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, đối với người dân ở các xã vùng xa có khoảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi GPLX thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng.