Trước đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai Tuấn Anh (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
21 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 30 tháng tù đến 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo nhận định của tòa án cấp sơ thẩm, các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng. Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
Theo hồ sơ vụ án, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km. Giai đoạn 1, tuyến đường dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), thông xe tháng 8-2017, còn giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe tháng 9-2018.
Khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân. Các vi phạm tại giai đoạn 1 đã được xử lý với 36 bị cáo bị tuyên án từ 24 tháng tù treo đến 8 năm 6 tháng tù giam.
Giai đoạn 2 được chia thành 5 gói thầu. Theo tòa án cấp sơ thẩm, các gói thầu có một số hạng mục không đảm bảo chất lượng. Kết quả kiểm tra hiện trường thi công của hội đồng nghiệm thu Nhà nước từ năm 2015-2018 xác định, phần dự án này có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thi công, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, VEC vẫn nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu hơn 460 tỷ đồng đối với các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng.
Lý do để xảy ra sai phạm trên, các bị cáo là cựu lãnh đạo VEC (trong đó có bị cáo Mai Tuấn Anh) được phân công trực tiếp phụ trách dự án ở từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, nhưng với vai trò và nhiệm vụ tương tự nhau. Song, họ và đồng phạm đã buông lỏng quản lý, không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước hơn 460 tỷ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc xin hưởng án treo, gồm: Mai Tuấn Anh (cựu Tổng Giám đốc VEC); Trần Mạnh Hùng (cựu Kỹ sư vật liệu gói thầu A4 - A5 dự án); Nguyễn Văn Thuật (cựu Giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1); Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1); Đỗ Quốc Vượng (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A4); Đỗ Văn Thiết (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A4); Nguyễn Anh Sơn (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công Gói thầu A5); Đoàn Ngọc Hùng (cựu Kỹ sư vật liệu gói thầu A1 - A2 - A3); Nguyễn Tiến Công (cựu Kỹ sư vật liệu gói thầu A2 - A3); Nguyễn Thọ Minh (cựu Kỹ sư vật liệu gói thầu A4 - A5).
Sáng nay, trong phần thủ tục phiên tòa, các nhà thầu và luật sư bảo vệ đều đề nghị hoãn phiên tòa do vắng mặt các giám định viên và tư vấn giám sát. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, những người này đã được triệu tập song vắng mặt, nhưng kết quả giám định đã được làm rõ trong quá trình điều tra và bản án sơ thẩm.
Sự có mặt của họ chỉ giải thích thêm về căn cứ và phương pháp đưa ra kết luận giám định, đã được bản án sơ thẩm đánh giá là xác thực. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình với đề nghị của viện kiểm sát và tiếp tục xét xử.