Trong năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 15,67 tỷ USD nhờ các sản phẩm của ngành lâm nghiệp, và mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp sẽ là 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.
Theo ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất, cung cấp khoảng 20 triệu m3 gỗ, trồng chủ yếu là các loại keo, bạch đàn, quế, thông… Nhưng theo các chuyên gia lâm nghiệp, để gia tăng giá trị xuất khẩu hơn nữa, phải chuyển sang đầu tư trồng rừng gỗ lớn.
Theo thống kê, trong số 4 triệu ha rừng sản xuất, hiện nay diện tích rừng trồng gỗ lớn mới chỉ đạt khoảng 440.000ha (chiếm hơn 10%) trên 10 năm tuổi. Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người trồng rừng mức 8 triệu đồng/ha và Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành chính sách cho người trồng rừng vay vốn để trồng rừng gỗ lớn. Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, trong đó có cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết; phấn đấu đến cuối năm 2030, sẽ có 1 triệu ha rừng gỗ lớn.
Cùng với đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, theo ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu. Việt Nam có 2 loại chứng chỉ rừng.
Thứ nhất là hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thứ hai là chứng chỉ FSC của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế. Tính đến tháng 9-2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam đã đạt cả 2 loại chứng chỉ VFCS và FSC là gần 500.000ha, đạt hơn 90% mục tiêu đặt ra đến năm 2025.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, các chứng chỉ rừng bền vững cho 1 triệu ha rừng gỗ lớn chính là tấm giấy thông hành để công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu, nắm chắc các thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu… tiến tới giảm hẳn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, qua đó gia tăng hơn nữa giá trị xuất siêu.