Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng chiếm 31%, rừng tự nhiên chiếm 69%. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp đạt 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.
Trồng rừng vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu |
Hiện nay, cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung tại tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trước đây, nguyên liệu sản xuất phải nhập từ các nước, nhưng đến nay số liệu nhập khẩu đã giảm dần nhờ chủ động trồng rừng nguyên liệu.
Ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, diện tích rừng của chúng ta tăng lên rất nhanh, nhờ giao đất, giao rừng hiệu quả. Rừng không những có chủ mà còn tạo điều kiện cho người trồng rừng tiêu thụ được sản phẩm do mình trồng, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra.
Ông Vũ Thành Nam chia sẻ thông tin tại tọa đàm |
Đến nay, chúng ta đã có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất, cung cấp khoảng 20 triệu m3 gỗ, trồng chủ yếu các loại keo, bạch đàn, quế, thông.
Nhưng theo các chuyên gia lâm nghiệp, để tăng giá trị xuất khẩu, phải đầu tư trồng rừng gỗ lớn. “Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng”, ông Vũ Thành Nam đánh giá.
Theo thống kê, trong số 4 triệu ha rừng sản xuất, hiện nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn sản xuất vào khoảng 1 triệu ha (các hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm trên 60%). Trong đó, có 440.000 ha (chiếm hơn 10% tổng rừng trồng sản xuất) trên 10 năm tuổi.
Ông Nam cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, trong khi người dân cần có thu nhập sớm để tái đầu tư.
Để tiếp sức cho người dân trồng rừng gỗ lớn, hiện nay, chúng ta đã có chính sách hỗ trợ người trồng rừng 8 triệu đồng/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn.
Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành một số chính sách, trong đó có chính sách cho người trồng rừng gỗ lớn vay vốn. Hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030 (dự kiến sẽ phê duyệt đề án này trong năm nay).