Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến mang tầm thế giới - Bài 3: Để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững

Sau bứt phá, du lịch Đà Nẵng chọn phát triển du lịch xanh là sự phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng thế giới. Bởi đây cũng là cách làm mới sản phẩm du lịch sau dịch bệnh, bảo tồn và phát huy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, doanh nghiệp, du khách, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Các sở ban ngành TP Đà Nẵng liên tục triển khai nhiều chương trình cùng hưởng ứng về du lịch xanh, du lịch không rác thải
Các sở ban ngành TP Đà Nẵng liên tục triển khai nhiều chương trình cùng hưởng ứng về du lịch xanh, du lịch không rác thải

Trải nghiệm xanh

Cách trung tâm TP Đà Nẵng hơn 30km, trong khuôn viên nằm giữa núi rừng xanh mướt ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), những ngày này, du khách thường xuyên ghé thăm làng Mê vào những ngày cuối tuần. Không gian chính là những túp lều, những chiếc bàn ghế nhỏ xinh trên bãi cỏ xanh mướt rộng mênh mông ven sông Cu Đê, được bao bọc với cánh đồng mía xanh bạt ngàn. Đối diện là ven sông Cu Đê trong xanh êm ả. Hai bên là dãy núi xanh trùng điệp cùng những áng mây trắng thả trôi trên nền trời xanh. Đa phần các vật dụng ở đây mang một gam màu trầm nhẹ nhàng làm chủ đạo, gợi chất cổ điển.

Chị Lưu Hương (hơn 30 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, cuối tuần, gia đình muốn tìm chốn bình yên sau những ngày xô bồ ở thành thị. “Chúng ta thường nghĩ rằng, đi du lịch là đến đó phải ăn thật no, ngủ thật sâu... mới xứng đồng tiền bỏ ra. Nhưng nhà tôi cần sự bình dị, dân dã và việc chọn Hòa Bắc chỉ vì muốn nạp năng lượng mới sau một tuần làm việc mệt mỏi, hay tạo cảm hứng trong cuộc sống”, chị Hương nói.
Du khách trải nghiệm du lịch tại làng Mê (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) 

Buổi sáng, bước ra khỏi căn lều đã thấy ánh nắng xuyên qua từng tán lá. Đêm đến, cả khu cắm trại sáng rực ánh đèn, có cả lửa trại, tiệc BBQ, trong nền nhạc du dương suốt đêm. Ở núi nên du khách sẽ thấy từng lớp sương mờ ảo, không khí se se lạnh như ở rừng, đâu đây tiếng chim líu lo chuyền cành. Một không gian xanh, sạch đúng nghĩa của nó.

Ngoài Làng Mê, hiện ở huyện Hòa Vang còn có Yên Retreat, Nguồn Village (xã Hòa Bắc), Haly farm, An Nhiên Farm (xã Hòa Ninh),… thực hiện mô hình du lịch hòa mình với thiên nhiên.

Là người địa phương nên có lợi thế trong việc nắm rõ những tiềm năng và thế mạnh văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ tu để phát triển du lịch cộng đồng. Theo anh Đinh Văn Như, Chủ homestay ALăng Như (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), để thu hút khách, anh đã cải tạo vườn bỏ hoang của gia đình để trồng tre, trúc tạo cảnh quan đẹp. Cùng với đó, khu vực này có khe suối lớn, núi đồi mênh mông nên homestay được hòa lẫn vào giữa thiên nhiên. Du khách đến đây không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán trong văn hóa của người Cơ tu qua các điệu múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng, lội suối bắt cá, đi nương rẫy, xem dệt thổ cẩm, đan lát, nghe nói lý, hát lý…

"Cuộc sống của bà con trước đây gặp nhiều khó khăn do chỉ biết làm nương rẫy. Khi được hỗ trợ, hướng dẫn làm du lịch cộng đồng từ chính những cái sẵn có trong thiên nhiên và do bà con tự làm ra như nuôi gà thả vườn, trồng rau rừng, bắt cá suối, dệt thổ cẩm, làm đồ lưu niệm, biểu diễn văn hóa Cơ tu để phục vụ du khách, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn. Vừa giữ gìn được nét văn hóa, khôi phục, duy trì các nghề truyền thống, vừa tạo được sinh kế nên bà con rất vui", anh Như chia sẻ.

Người dân đến check-in tại Haly Farm (thôn Mỹ Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)
Còn chị Phan Thiên Lý (38 tuổi) quyết định cải tạo trên 6.000m2 đất trồng keo, thiết kế cảnh quan, một bên trồng cây ăn trái, một bên trồng cúc bách nhật, thạch thảo, cánh bướm, tam giác mạch, hướng dương… theo mô hình ruộng bậc thang. Thời gian đầu, chị Lý chỉ có ý định trồng hoa để cải tạo cảnh quan cho khu vườn, nhưng khi thấy hoa đẹp quá, chị muốn chia sẻ nó với nhiều người nên đã gầy dựng thành điểm check-in và đặt tên là Haly farm (thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). 

"Trước đây, khu này trồng keo lá tràm, đất đai bạc màu, đá sỏi trộn lẫn rễ cây nên khi mình có ý định trồng cây, hoa cải tạo cảnh quan", chị Lý nói. 

Chiến lược bền vững

Để du lịch xanh thực sự bức phá, không thể phủ nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò tiên phong trong việc đón đầu xu thế này.

Ở các năm tiếp theo, từ năm 2023 đến 2025, ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Sun World Bà Nà Hills (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, sẽ triển khai các dự án gắn liền với yếu tố sinh thái, hướng tới thiên nhiên và gần gũi với môi trường. Đó sẽ là bảo tàng kết hợp cảnh quan mặt nước với sự tư vấn thiết kế của đơn vị quốc tế đã từng tổ chức thành công các show diễn lớn của Michael Jackson, Celine Dion; khu vườn nhiệt đới và các vườn hoa, thảm cây xanh được quy hoạch như những khoảng trời Âu tiệp giữa mây trời Bà Nà. Khu du lịch cũng sẽ hiện thực hóa quy trình sản xuất rượu vang ngay tại Bà Nà, từ những vườn nho được trồng tại chân núi, tới quy trình chưng cất, chế biến đạt chuẩn và khu trưng bày rượu vang tới 1.98ha tại hầm rượu trên đỉnh núi. Dự kiến năm 2023, du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn quy trình và thưởng thức hương vị rượu vang “made in Ba Na” tại 4 phòng thử rượu có thiết kế độc đáo.

Đến năm 2025, Bà Nà Hills đón đầu xu hướng du lịch xanh

Là một huyện miền núi, bấy giờ huyện Hòa Vang không còn xa lạ với du khách, với người dân thành thị khi nơi đây đã và đang hình thành một số khu du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo cơ hội cho họ được thăm thú, tìm hiểu, trải nghiệm cảnh sắc và văn hóa bản địa.

Theo ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, người dân là những người được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Do đó, người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, có trách nhiệm cùng đồng hành với hoạt động du lịch của địa phương. Vì vậy, TP Đà Nẵng đã có một số đề án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào chính những người dân địa phương, người dân có thể là chủ thể tham gia các hoạt động du lịch như các ngư dân, người nông dân... Điển hình, TP Đà Nẵng xây dựng đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang từ năm 2022 đến năm 2025.

Những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã bắt đầu số hóa ngành du lịch

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, TP Đà Nẵng tiếp cận phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh từ góc độ phát triển thành phố thông minh và đô thị xanh. Cụ thể, địa phương tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh cho giao thông và đô thị, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. TP Đà Nẵng cũng “phủ xanh” bằng việc tăng cường phát triển cây xanh, hạn chế bê tông hóa; phát triển các tòa nhà thông minh, công trình thông minh và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng...

Tin cùng chuyên mục