Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022: Những “cây sáng kiến” tiền tỷ
SGGP
Thấy chiếc máy cũ phải bỏ kho chờ thanh lý, vậy là các anh, các chị đã suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến quy trình để bắt nó phải chạy được hàng, năng suất tăng, giúp cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân.
LTS: Năm qua, các đơn vị, doanh nghiệp tại TPHCM gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng cũng từ đó, các công nhân, kỹ sư tại TPHCM đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến để giúp đơn vị vượt qua khó khăn, phát triển. Chính từ những nỗ lực ấy, họ đã được ghi nhận và đề xuất trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2022 vào ngày 19-8. Đây là giải thưởng cao quý do Liên đoàn Lao động TPHCM và Báo SGGP thực hiện trong 22 năm qua. Giải thưởng không chỉ vinh danh các giá trị sáng tạo mà còn là bệ phóng giúp công nhân, kỹ sư thỏa những đam mê.
“Làm sống lại” máy móc cũ
Dẫn chúng tôi đi một vòng xưởng sản xuất, ông Bùi Nguyễn Nam Khai, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Liksin, giới thiệu chiếc máy này, sản phẩm kia là sáng kiến của anh Nguyễn Hải Bằng, Phó Quản đốc Phân xưởng thành phẩm, Xí nghiệp Bao bì An Khang Liksin (thuộc Tổng Công ty Liksin).
Dừng lại ở chiếc máy LT8 (làm túi 8) đang chạy đều đều để cho ra những chiếc túi khổ nhỏ, ông Khai cười khi nhắc về nguồn gốc của máy: “Trước năm 2019, chiếc máy này đã hết hạn sử dụng và đang nằm chờ thanh lý trong kho của một xí nghiệp bao bì khác, cũng thuộc tổng công ty. Thấy xí nghiệp mình đang cần máy làm túi nhỏ, anh Bằng đề xuất mang máy về đại tu để sử dụng. Có ai ngờ, chỉ với khoản đầu tư 100 triệu đồng, anh Bằng đã bắt chiếc máy hết hạn hoạt động, chạy ầm ầm suốt mấy năm nay”. Theo ông Khai, nếu phải đầu tư máy mới cho sản phẩm này, công ty phải tốn hơn 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Đình Thắng cùng đồng nghiệp kiểm tra dây chuyền sản xuất. Ảnh: NGÔ BÌNH
“Lúc đó, tôi thấy xí nghiệp đang có nhiều đơn hàng làm túi nhỏ mà máy hiện có chỉ đáp ứng làm những chiếc túi lớn. Nghĩ phải đầu tư máy thì tốn kém nên sẵn biết có máy cũ trong kho, tôi nghĩ, cứ bắt tay làm thử. Không ngờ từ ý tưởng, thiết kế của mình mà máy chạy được ngon lành”, anh Bằng không giấu được niềm vui.
Trước khi bắt chiếc máy LT8 hoạt động trở lại sau thời gian “ngủ đông”, năm 2018, anh Bằng đã đại tu chiếc máy LT3 cũng đang nằm chờ thanh lý. Giờ thì 2 chiếc máy này ngày ngày vẫn chạy hàng đều đều để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chỉ tính riêng 2 chiếc máy, anh Bằng đã làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Hải Bằng bên những sáng kiến của mình. Ảnh: HỒNG HẢI
Cũng xuất phát từ thực tế công việc, chàng kỹ sư Bùi Trọng Hữu, Trưởng Phòng Vật tư kỹ thuật, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã cho ra đời nhiều sáng kiến giúp cải thiện môi trường làm việc, giúp công nhân thực hiện đơn hàng nhanh và đơn vị không mất nhiều kinh phí đầu tư máy móc. Một trong những sáng kiến anh tâm đắc là “Chế tạo thêm mặt bích khoang làm mát motor máy nén tủ cấp đông tiếp xúc”.
Anh Hữu kể, trước cứ 6 tháng thì khoang làm mát motor máy nén các tủ cấp đông tiếp xúc bị nghẹt do bẩn. Để vệ sinh, cần 3 nhân công và phải dừng máy 2 ngày. Công nhân phải di dời phần đầu máy nặng hơn 50kg từ trên cao xuống vô cùng nguy hiểm. Trăn trở, anh Hữu đưa ra sáng kiến lắp thêm mặt bích cho máy, từ đó việc vệ sinh dễ dàng hơn do chỉ tháo mặt bích và chỉ cần 2 công nhân, không cần di chuyển đầu máy, thời gian dừng máy cũng giảm từ 2 ngày còn nửa ngày. Từ sự thành công của một máy, anh Hữu làm tiếp 3 máy còn lại.
Ngoài ra, chiếc máy cũ thường xảy ra lỗi. Mỗi lần như vậy, khâu khó nhất là thiết bị thay thế phải nhập từ nước ngoài và khó tìm kiếm vì đã lâu đời, còn nếu đầu tư máy mới thì phải tốn 3-4 tỷ đồng. Chỉ với một khoản chi phí nhỏ, anh Hữu đã bắt chiếc máy hoạt động lại ngon lành, đồng thời cải tạo thành công thêm nhiều máy khác.
Phấn đấu vì mình là người trẻ
Với đặc thù là đơn vị sản xuất chất hoạt động bề mặt (nguyên liệu sản xuất nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt…), phải sử dụng các loại hóa chất, anh Nguyễn Đình Thắng, Phó ca vận hành sản xuất, chi nhánh Công ty CP TICO, luôn trăn trở tìm cách giảm lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường. Hơn 10 năm gắn bó với công việc, anh Thắng hiểu rõ từng công đoạn, từng thiết bị trong quá trình sản xuất. Sáng kiến anh tâm đắc là làm giảm lượng nước phát sinh trong quá trình xử lý nước thải, giúp nhà máy giảm được hàng ngàn mét khối nước thải phát sinh mỗi năm, tiết kiệm được chi phí hóa chất xử lý bùn thải và lương công nhân.
Những “cây sáng kiến” Nguyễn Hải Bằng, Nguyễn Đình Thắng, Bùi Trọng Hữu (từ trên xuống)
Ngước nhìn chiếc quạt nén với motor có công suất 160kW, anh Thắng nói, trên chiếc quạt đó có một sản phẩm là sáng kiến của anh giúp giảm lượng điện tiêu thụ. Anh Thắng cho biết, các dây chuyền sản xuất của công ty sử dụng 4 quạt nén với motor công suất 160kW. Mặc dù quá trình sản xuất chỉ sử dụng 80%-85% công suất động cơ, nhưng cả 4 chiếc quạt đều phải hoạt động 100% công suất, dẫn đến lãng phí tiền của, lãng phí điện, các hệ lụy về môi trường.
Từ những kinh nghiệm có được, anh Thắng tính toán và mạnh dạn đề xuất lãnh đạo lắp đặt biến tần để điều chỉnh tốc độ phù hợp. “Sau khi lắp biến tần, quạt được điều chỉnh công suất theo nhu cầu sử dụng nên cứ mỗi giờ vận hành thiết bị, tiết kiệm được khoảng 17% lượng điện tiêu thụ. 6 năm qua, sáng kiến này không chỉ giúp công ty tiết kiệm hơn 7,3 tỷ đồng mà còn góp phần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng chung”, anh Thắng cho biết.
Còn kỹ sư Huỳnh Ngọc Hoàng, cán bộ kỹ thuật Đội Quản lý lưới điện Công ty Điện lực Hóc Môn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM) cũng được mệnh danh là “cây sáng kiến” của đơn vị. 8 năm công tác, anh Hoàng cho ra đời hơn 15 sáng kiến, làm lợi cho đơn vị hơn 14 tỷ đồng và tiết kiệm gần 10.000 giờ công lao động mỗi năm.
Trong các sáng kiến của mình, anh Hoàng tâm đắc nhất là sáng kiến cải tiến bộ thanh đồng bản tại vị trí cáp vào tủ điện tổng dùng cho trạm biến thế, áp dụng trong công tác sản xuất - kinh doanh tại đơn vị. Sáng kiến đã giúp tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng/tủ. Theo tính toán, nếu áp dụng trên toàn tổng công ty sẽ tiết kiệm được 7,2 tỷ đồng/năm, rút ngắn thời gian thi công và giảm thiểu thời gian cắt điện.
Tất cả sáng kiến đều xuất phát từ thực tế công việc hàng ngày, thôi thúc người kỹ sư trẻ tìm cách làm mới để công nhân thao tác trực tiếp tại hiện trường thuận tiện, bớt vất vả và an toàn nhất. Thế nhưng khi nói về mình, anh Hoàng chỉ ngắn gọn: “Bởi mình là người trẻ nên cần phấn đấu nhiều hơn”. Bắt đầu từ những cải tiến nhỏ
Với 17 năm công tác tại xí nghiệp, trung bình mỗi năm Nguyễn Hải Bằng cho ra đời 7-8 sáng kiến, cải tiến, có năm anh thực hiện hơn 10 sáng kiến. Một ý tưởng rất độc đáo của anh là cải tiến dao cắt tặng khách hàng để công ty “giữ mối”.
“Tôi xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất nên hiểu khâu nào thừa, khâu nào khó để đề xuất ban giám đốc ý tưởng cải tiến. Ban đầu chỉ là những cải tiến nhỏ, khi được động viên thực hiện và cải tiến mang lại hiệu quả thì tôi có động lực tiếp tục các sáng kiến cao hơn”, anh Bằng bày tỏ. Rồi từ kinh nghiệm tích lũy, cộng với những tìm tòi, quan sát, anh Bằng thấy khâu này cần thay đổi, chiếc máy kia cần điều chỉnh để làm sao môi trường làm việc được tốt hơn, công ty có được nhiều lợi nhuận. Từ khi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh Bằng thấy vai trò, trách nhiệm của mình càng cao hơn, phải cố gắng có thêm nhiều sáng kiến cũng như dìu đắt những người công nhân trẻ mới vào nghề.
Cũng với suy nghĩ là người trẻ, lại là đảng viên cần xung kích đi đầu, anh Bùi Trọng Hữu đã luôn trăn trở để có các sáng kiến giúp công việc tốt hơn. “Hãy bắt đầu tư những cải tiến nhỏ”, đó là điều anh Hữu thường chia sẻ với các kỹ sư, công nhân trẻ mới vào nghề. “Nhiều bạn trẻ nghĩ sáng kiến là phải thực hiện điều gì đó lớn lao, mang lại lợi nhiều. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ cái quá cao, quá sức thì dễ thất bại và nản lòng. Hãy cứ bắt đầu tư những cải tiến nhỏ, từ kinh nghiệm tích lũy sẽ triển khai các sáng kiến lớn, mang lại lợi ích cho đơn vị nhiều hơn”, anh Hữu chia sẻ.