Đà Nẵng: Giải bài toán về nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Ngày 30-11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) tổ chức Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại TP Đà Nẵng. Trong đó nhấn mạnh, nếu không giữ chân được nhân lực thì sẽ thua trong cuộc chiến toàn cầu hóa.

Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mỗi năm cần ít nhất 7.500 nhân lực công nghệ thông tin

Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu phát triển TP Đà Nẵng “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.  Trong đó, một trong năm lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, địa phương xác định công nghiệp công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (kinh tế số, xã hội số và chính quyền số), xây dựng thành phố thông minh, đủ năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố Đà Nẵng”, bà Yến nhìn nhận.

Khảo sát của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT) cho thấy chỉ có khoảng 15% sinh viên ngành công nghệ thông tin mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp; 72% sinh viên không có kinh nghiệm, thực hành và 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2021, TP Đà Nẵng ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phần lớn nhân lực tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung, giai đoạn 2022 - 2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng.

Đà Nẵng: Giải bài toán về nguồn nhân lực công nghệ thông tin ảnh 2 Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng”, ông Thạch cho hay.

Tìm cách “giữ chân” nhân tài

Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về Linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, 2 năm trước, công ty bắt đầu với 50 lao động, đến nay đã lên 250 người và dự kiến sẽ tăng lên 500 người trong tương lai. Tuy nhiên việc tuyển dụng lao động ở Đà Nẵng rất khó khăn khi nhìn vào tình trạng hiện nay.

"Nguồn lao động công nghệ thông tin ở Đà Nẵng thiếu kinh nghiệm làm việc, dẫn đến thất bại khi tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp. Đồng thời, lao động ở Đà Nẵng có khoảng thời gian làm việc rất ngắn, khoảng 2-3 năm nên doanh nghiệp gặp khó khi muốn tăng quy mô, mở rộng công ty - đây là bài toán nan giải cho doanh nghiệp công nghệ thông tin. Chưa kể, Đà Nẵng không phải là nơi hấp dẫn để thu hút lao động công nghệ thông tin khi so sánh với Hà Nội và TPHCM…", ông Lee Jong Wook nói.
Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại TP Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học FPT Greenwich (cơ sở Đà Nẵng) cho biết, trên thế giới, mà nhất là ở Hàn Quốc, Pháp, doanh nghiệp rất có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực, kết nối với nhà trường bằng cách cho phép sinh viên học hỏi những ứng dụng mới thuộc đơn vị kèm với đó là những cam kết về tính bảo mật. Vì vậy, với những đầu tư về mặt hạ tầng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, TP Đà Nẵng cần xem xét, thực thi phương thức này nhằm giúp đơn vị đào tạo, sinh viên có thể phát triển hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tấn Khôi, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin một cách lâu dài, bên cạnh việc các đơn vị đào tạo tự thân vận động, TP Đà Nẵng nên có chính sách chiêu đãi người hiền thuộc ngành công nghệ thông tin ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường bằng cách lập quỹ học bổng, hỗ trợ phí thuê nhà ở, miễn giảm học phí và hỗ trợ sự kiện về công nghệ thông tin… làm sao đó để sinh viên Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp không phải đến nơi khác để lập nghiệp, phát triển.  

Giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Đà Nẵng cần bổ sung khoảng 7.500 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đồng tình với ông Khôi, ông Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng cho biết, cần có những dự báo chính xác nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lại như đối tượng, phân khúc để các trường từ đại học đến trung cấp, dạy nghề có thể định hướng rõ ràng từ đó có thể xây dựng chương trình đào tạo cụ thể đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Không chỉ các trường công nghệ thông tin mà các trường đại học, cao đẳng về kinh tế, văn hóa – xã hội muốn tồn tại thì xác định công nghệ thông tin là “hồn cốt” để đào tào rất nhiều ngành nghề khác cho thành phố Đà Nẵng”, ông Thọ cho hay.

Tin cùng chuyên mục