Khốn khổ vì xét nghiệm

Chồng chéo xét nghiệm

Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh là một trong những quy trình y tế quan trọng, nhưng lâu nay hầu hết các bệnh viện (BV) chưa thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm của nhau, cũng như chưa có được quy chuẩn thống nhất về xét nghiệm. Sự chậm trễ này khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn, vất vả khi đi khám chữa bệnh. Hơn nữa, do thiếu quy chuẩn nên nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang lạm dụng các chỉ định về xét nghiệm, gây tốn kém, lãng phí cho người bệnh.

Chồng chéo xét nghiệm

Phòng xét nghiệm của BV Đống Đa (Hà Nội) đã gần trưa vẫn đông bệnh nhân. Nhiều người tỏ ra ngao ngán, mệt mỏi khi phải chờ đợi quá lâu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Dũng P. (ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Tuần trước, tôi khi khám ở BV Thường Tín, các bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị viêm gan B. Thực sự tôi bất ngờ trước kết quả này. Vì thế, hôm nay tôi tới đây để khám lại cho chắc. Ai ngờ, BV yêu cầu làm lại toàn bộ các xét nghiệm, khám chữa bệnh như trước, mất nhiều thời gian và tốn kém quá”. Trong khi đó, lặn lội đưa bố từ Hòa Bình lên khám bệnh tại BV Thanh Nhàn, chị Thanh (ở Kim Bôi, Hòa Bình) bức xúc: “Dù BV huyện và tỉnh Hòa Bình đều cho kết quả xét nghiệm bố tôi bị sỏi mật, nhưng khi lên BV Thanh Nhàn khám, bác sĩ vẫn yêu cầu làm lại toàn bộ xét nghiệm. Tại sao các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau mà cứ bắt người bệnh đi lại nhiều lần chỉ để lấy máu, nước tiểu, chụp X-quang..., vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc của người bệnh”.

Người bệnh tới BV phải làm nhiều xét nghiệm khác nhau

Tình trạng người dân khi tới khám bệnh tại BV phải thực hiện không ít xét nghiệm khác nhau, dù trước đó ít ngày họ đã làm tại một BV khác là rất phổ biến. Nguyên nhân là vì hiện nay, hầu hết các BV đều chưa công nhận kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của lẫn nhau, mà chỉ có thể coi kết quả xét nghiệm của BV khác là tham khảo. Hơn nữa, rất nhiều người bệnh khi tới BV khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, X-quang, siêu âm - mà trong đó có nhiều công đoạn chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh tật người bệnh đang mắc. Bức xúc và mệt mỏi hơn khi cùng một xét nghiệm nhưng kết quả giữa các cơ sở khám chữa bệnh lại có sự “vênh nhau”, không thống nhất khiến cho người bệnh rất hoang mang, khổ sở, vì không biết đâu để lựa chọn nơi chữa bệnh. Thậm chí, không ít trường hợp vì kết quả xét nghiệm không chuẩn xác đối với các căn bệnh xã hội như HIV, lậu, giang mai, đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh, tới gia đình, công việc của họ.

Cần sớm có quy chuẩn

Theo lãnh đạo một số BV lớn ở Hà Nội, trên cơ sở kết quả xét nghiệm, bác sĩ mới đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, nhưng lâu nay vẫn chưa có được một chuẩn thống nhất về xét nghiệm. Trong khi đó, mỗi BV lại sử dụng các trang thiết bị, hóa chất dùng để xét nghiệm khác nhau, chất lượng nguồn nhân lực cũng không đồng nhất nên khó có thể chấp nhận kết quả của nhau. Thậm chí, có lãnh đạo BV còn thẳng thắn cho biết, nhiều khi việc chỉ định xét nghiệm không hẳn là do chưa tin cậy kết quả xét nghiệm của BV khác, mà là vì nguồn thu của BV.

Theo quy định của Bộ Y tế, các BV phải thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm hàng năm, đồng thời phải tham gia các chương trình ngoại kiểm nhằm kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm của đơn vị với kết quả xét nghiệm của nhiều phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, cung cấp bằng chứng công nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng GS-TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, cho biết hiện mới chỉ có 1/3 số cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm chất lượng xét nghiệm, nên những sai sót liên quan đến vấn đề nhân lực, máy móc xét nghiệm chậm được khắc phục. Hơn nữa, cả nước mới chỉ có khoảng 50 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế, BV đạt chuẩn ISO 15189: 2012 về chất lượng và năng lực của phòng xét nghiệm y tế.

Để giải quyết tình trạng “loạn” xét nghiệm, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức (rất tốt - tốt - khá - trung bình khá - trung bình và chưa xếp hạng) để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện cải tiến chất lượng xét nghiệm. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV, giảm lãng phí tiền của và sức khỏe cho người bệnh. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 BV tuyến trung ương và các BV hạng 1 rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm. Trước mắt, bắt đầu từ tháng 7 tới sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm của 38 BV trực thuộc Bộ Y tế. Các BV hạng 1 và tương đương sẽ thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm trước ngày 1-1-2018.

 Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, các BV trên toàn quốc thực hiện khoảng 450 triệu xét nghiệm các loại; trong đó, các BV tuyến trung ương thực hiện hơn 90 triệu xét nghiệm, BV tuyến tỉnh, thành phố thực hiện hơn 250 triệu xét nghiệm. Chỉ riêng năm 2016, các cơ sở y tế trong cả nước đã thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế đều tăng trung bình 10%/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, các thiết bị xét nghiệm đầu tư từ nguồn xã hội hóa, liên doanh đặt máy với yêu cầu lợi nhuận cũng là một yếu tố thúc đẩy chỉ định xét nghiệm quá mức. Do đó, khi quyết định đầu tư máy móc xét nghiệm, giám đốc BV cần cân nhắc quy mô, nhu cầu khám chữa bệnh để trang bị thiết bị phù hợp, khai thác đúng yêu cầu điều trị, tránh việc chỉ định xét nghiệm để đạt chỉ tiêu của đối tác.


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục