Đã rõ nguyên nhân 2 ca tử vong tại bệnh viện Trí Đức

Chiều 21-2, liên quan tới hai trường hợp tử vong liên tiếp tại bệnh viện Bệnh viện đa khoa Trí Đức (ở số 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi tiêm thuốc gây mê, Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết quả họp Hội đồng chuyên môn đối với hai ca tử vong này.

(SGGPO). - Chiều 21-2, liên quan tới hai trường hợp tử vong liên tiếp tại bệnh viện Bệnh viện đa khoa Trí Đức (ở số 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi tiêm thuốc gây mê, Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết quả họp Hội đồng chuyên môn đối với hai ca tử vong này.

Kết quả họp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội với sự tham gia của một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực gây mê hồi sức, cấp cứu của nhiều bệnh viện lớn ở trung ương và Hà Nội đã làm rõ quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê đối với hai ca bệnh (Hoàng Văn Tuấn, 35 tuổi) và (Quách Thị Mai phương, 38 tuổi) tại Bệnh viện Trí Đức phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

Cụ thể, các bệnh nhân có được khám trước gây mê, lâm sàng và cận lâm sàng. Monitoring phù hợp trong phòng mổ, các thuốc dùng đủ, đúng liều theo trình tự. Bệnh viện Trí Đức có phương tiện máy móc theo dõi bệnh nhân. Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn cũng cho rằng Bệnh viện Trí Đức cần có máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật. Việc Bệnh viện Trí Đức quyết định chuyển hai bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu.

Về quy trình cấp cứu khi các bệnh nhân có diễn biến xấu, Hội đồng chuyên môn kết luận các bệnh nhân đã được phát hiện sớm diễn biến nặng và xử trí cấp cứu kịp thời, xử trí ngay bằng các biện pháp cấp cứu như thuốc, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, sử dụng tiêm và truyền adrenalin đúng theo hướng dẫn cấp cứu sốc phản vệ.

Hội đồng chuyên môn nhấn mạnh, các thuốc được sử dụng cho cả hai ca bệnh trên là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê. Dù vậy, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của Bệnh viện Trí Đức do chưa có đủ thông tin nên Hội đồng chuyên môn chưa có đủ cơ sở để kết luận.

Trên cơ sở đó, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội chẩn đoán nguyên nhân tử vong của hai bệnh nhân trên ở Bệnh viện Trí Đức là “Suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê".

Như vậy, bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh). Tuy nhiên chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả hai trường hợp trên.

Trước đó, vào sáng 25-12, tại Bệnh viện Trí Đức, hai bệnh nhân trên đã được gây mê để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên sau gây mê, cả hai đều có biểu hiện sốc phản vệ, như: khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, lơ mơ. Mặc dù được cấp cứu tại chỗ và chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Bạch Mai gần đó nhưng cả hai đã tử vong.

Cả hai bệnh nhân đều được dùng các loại thuốc giống nhau, chỉ khác nhau về liều lượng theo cân nặng, cùng có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc.

Ngay sau khi vụ chết người này xảy ra, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân dẫn tới tử vong của 2 người bệnh trên. Đồng thời khẩn trương làm rõ xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành. 

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục