Cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát đầu năm

Ngày 2-1, trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát vào mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cúm từ gia cầm.
Cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát đầu năm

(SGGP).- Ngày 2-1, trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát vào mùa lễ hội đầu năm 2017, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh cúm từ gia cầm.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống chín và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.


Bệnh cúm A H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, do virus cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đáng lưu ý, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, trong năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A(H5N1) và cúm A(H5N6) tại một số hộ gia đình. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành NN-PTNT nên đã xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm và không để lây truyền dịch bệnh sang người. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng vẫn cảnh báo trong thời gian tới vào dịp tết và mùa lễ hội, nhu cầu tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm sẽ gia tăng. Có nguy cơ ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm trên người nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền virus từ gia cầm sang người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thời điểm cuối năm 2016, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Chủng cúm A(H5) tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, chim hoang dã và gia cầm ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á như: Áo, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hungary, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Nga, và Thụy Sĩ được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm A(H5N8).

Các nhà khoa học nhận định có mối liên hệ giữa nguyên nhân chết ở chim hoang dã, di cư và các vụ dịch cúm tại các trang trại nuôi gia cầm. Đối với cúm gia cầm trên người cũng liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A(H5) độc lực cao như: cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) tại Trung Quốc, Ai Cập. Ngoài ra, các trường hợp mắc cúm A(H7N9) cũng được ghi nhận rải rác tại Trung Quốc (124 ca), Hồng Công (1 ca).

Đặc biệt, vào ngày 24-12 vừa qua, Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp cúm A(H9N2) tại Quảng Đông và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh do cúm gia cầm gây ra, WHO đã đưa ra nhận định rằng các trường hợp mắc virus cúm gia cầm thường có tiếp xúc với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm. Virus cúm gia cầm hiện chưa có khả năng lây truyền bền vững từ người sang người nhưng nguy cơ bị nhiễm bệnh của hành khách khi đến, trở về từ vùng dịch là hoàn toàn có thể.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục