Đến hẹn lại… lo ngộ độc thực phẩm cận Tết Nguyên đán

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM, số vụ ngộ độc thực phẩm liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2016, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 544 người mắc, tăng 1 vụ và 276 người mắc so với năm 2015. Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người với nguyên nhân chính là do vi sinh vật gây bệnh.
Đến hẹn lại… lo ngộ độc thực phẩm cận Tết Nguyên đán

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM, số vụ ngộ độc thực phẩm liên tục tăng trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2016, trên địa bàn TP đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 544 người mắc, tăng 1 vụ và 276 người mắc so với năm 2015. Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người với nguyên nhân chính là do vi sinh vật gây bệnh.

Hàng loạt công nhân nhập viện vì ngộ độcthực phẩm

Hiểm họa từ suất ăn chưa đạt chuẩn

Hồi chuông cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gióng lên từ lâu, với diễn biến ngày càng phức tạp và đây dường như là câu chuyện dài không có hồi kết. Mới đây nhất, đầu tháng 12-2016, trên địa bàn quận 7 đã xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm khiến cho 32 công nhân Khu chế xuất Tân Thuận nhập viện: Sau khi ăn cơm với các món nấm, sườn chay ram, canh rau dền nấu mướp thì các công nhân bắt đầu có các triệu chứng choáng váng, nôn ói, tiêu chảy..., phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Hay trước đó, hàng trăm công nhân Công ty Worldon (Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi) bất ngờ đau bụng, nôn mửa, nhức đầu sau khi ăn bữa trưa do công ty nấu gồm các món khổ qua xào trứng, chả cá tép khô, cà tím xào thịt bằm và canh rau củ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP, nguyên nhân khiến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong thời gian qua một phần là do những doanh nghiệp sản xuất thường chọn bữa ăn giá rẻ, chỉ 10.000 - 15.000 đồng/suất, thời gian vận chuyển và điều kiện của phương tiện vận chuyển thức ăn không đảm bảo an toàn... Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sản xuất phó mặc cho các cơ sở cung cấp suất ăn, dẫn đến tình trạng chế độ dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn của công nhân không được bảo đảm. Cùng với đó, nguồn nguyên liệu để chế biến các suất ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn do hộ gia đình, tư nhân cung cấp, khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Thậm chí có những cơ sở chế biến cố tình mua những nguyên liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, khiến nguy cơ ngộ độc từ nguyên liệu là rất lớn.

Siết chặt công tácthanh tra, kiểm tra

Vào những ngày cận tết, danh sách cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM bị Chi cục ATVSTP xử phạt ngày càng dài, số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu là: Sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường; không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; không có đủ trang thiết bị phù hợp theo quy định để xử lý nguyên liệu, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất; cống rãnh ở khu vực nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép…

Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm trong dịp này, bà Huỳnh Mai cho biết, ngành y tế TP sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP tại các cơ sở, bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và tại các cơ sở sản xuất bữa ăn công nghiệp… Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức về ATVSTP, đặc biệt tập trung vào nhóm cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể… để thể kịp thời  phát hiện, xử lý các thực phẩm không đảm bảo ATVSTP trước khi tới tay người tiêu dùng.

Mặc dù, vấn đề ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng, người lao động, nhưng hiện nay việc kiểm soát mới chỉ chạm đến phần ngọn. Để răn đe tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm, các biện pháp chế tài được đưa ra, nhưng hình thức phạt hành chính chẳng thấm vào đâu. Để có giải pháp lâu dài kiểm soát vấn đề ATVSTP các bữa ăn cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động”. Nghị quyết quy định rõ, mức chi cho suất ăn ca tối thiểu bằng 0,6% mức lương tối thiểu và khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp.

 Thanh tra đồng loạt 3 cấp

Từ nay đến ngày 18-3, Chi cục ATVSTP sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội Xuân 2017 đồng loạt 3 cấp (TP; quận, huyện; phường, xã, thị trấn).

Theo đó, sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại UBND 24 quận, huyện trong việc triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm, cơ sở giết mổ, lò giết mổ, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn, các khu vui chơi giải trí, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở bị khiếu nại, tố cáo liên quan đến an toàn thực phẩm.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục