Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM: Thiếu trách nhiệm, nợ đầm đìa!

Từ đời giám đốc trước tháng 9-2014 là ông Nguyễn Thi Hùng và từ tháng 9-2014 đến nay là ông Võ Đức Chiến, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương đã rơi vào khủng hoảng nợ nần, nhất là nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao. Nhiều công ty dược đành phải cắt nguồn cung cấp thuốc cho BV dẫn đến thiếu thuốc. Trong khi, lãnh đạo BV, các khoa phòng thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát dẫn đến thất thoát thuốc.Khủng hoảng nợ
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM: Thiếu trách nhiệm, nợ đầm đìa!

Từ đời giám đốc trước tháng 9-2014 là ông Nguyễn Thi Hùng và từ tháng 9-2014 đến nay là ông Võ Đức Chiến, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương đã rơi vào khủng hoảng nợ nần, nhất là nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao. Nhiều công ty dược đành phải cắt nguồn cung cấp thuốc cho BV dẫn đến thiếu thuốc. Trong khi, lãnh đạo BV, các khoa phòng thiếu trách nhiệm quản lý, giám sát dẫn đến thất thoát thuốc.

Khủng hoảng nợ

Sở Y tế TPHCM vừa công bố nội dung kết luận thanh tra đối với BV Nguyễn Tri Phương liên quan đến hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức, hoạt động dược. Theo đó, BV chưa hạch toán chi tiết, mở sổ theo dõi và định kỳ chưa đối chiếu giữa các bộ phận như: nhập kho theo dõi nợ, thanh toán nợ, hạch toán kế toán nên giữa báo cáo tài chính và tổng số nợ chi tiết có chênh lệch chưa xác định nguyên nhân, đối tượng. Đến ngày 31-8-2014, tổng số nợ chi tiết (thuốc, vật tư…) thấp hơn báo cáo tài chính gần 30 tỷ đồng và đến ngày 31-12-2015, thấp hơn báo cáo tài chính gần 13 tỷ đồng. BV chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty do các năm 2012-2013 đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức vượt chênh lệch thu chi trong năm dẫn đến nợ thuốc không nguồn quyết toán gần 103 tỷ đồng. Theo cơ quan thanh tra, tính đến 31-12-2015, BV nợ tiền thuốc, vật tư các công ty gần 130 tỷ đồng, trong đó 28% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45,6 tỷ đồng.



Được biết, từ 1-1-2014 đến 31-3-2014, trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 (đợt 5) của Sở Y tế TPHCM, BV Nguyễn Tri Phương đã mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu của BV Chợ Rẫy và các BV thuộc sở y tế địa phương khác. Danh mục và số lượng thuốc dự trù mua sắm được Sở Y tế phê duyệt với tổng giá trị trên 28,6 tỷ đồng. Còn từ 14-5-2014 đến 16-5-2015, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung năm 2014 của Sở Y tế, BV mua sắm thuốc có tổng giá trị gần 272 tỷ đồng. Giai đoạn từ 18-5-2015 đến khi có kết quả đấu thầu tập trung năm 2015, BV mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu của Sở Y tế và các BV trên toàn quốc với tổng giá trị hơn 10,3 tỷ đồng. Giai đoạn từ 22-6-2015 đến 30-10-2015, BV mua sắm thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung năm 2015 của Sở Y tế với tổng giá trị kế hoạch được phân bổ (kể cả điều chỉnh, bổ sung) là hơn 215 tỷ đồng. Ngoài ra, các dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền cũng được BV mua sắm trực tiếp các năm 2014-2015 theo kết quả của BV Y học cổ truyền và Viện Y dược học dân tộc với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng.

Thiếu trách nhiệm nghiêm trọng

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng đã kiểm tra tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức, hoạt động dược tại BV Nguyễn Tri Phương trong thời gian từ ngày 1-1-2014 đến 31-10-2015 và phát hiện thất thoát thuốc tại BV. Số lượng thuốc bị thất thoát lên tới vài chục mặt hàng, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, đắt tiền như Albumin, Nanokine... lên tới tiền tỷ. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM thụ lý giải quyết…

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, Sở Y tế TPHCM nhận định lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương qua các thời kỳ đã thiếu trách nhiệm là ông Nguyễn Thi Hùng và nay là ông Võ Đức Chiến làm giám đốc. “Các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của Khoa dược BV Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc được ghi nhận là trách nhiệm của các ông Nguyễn Thi Hùng (trước ngày 3-9-2014) và ông Võ Đức Chiến (từ ngày 3-9-2014)”, kết luận nêu rõ. Đồng thời, bà Trương Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Dược và các dược sĩ có liên quan theo sự phân công của trưởng khoa dược cũng phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, BV để tồn tại nợ thuốc không nguồn quyết toán (từ năm 2012-2013) gây mất cân đối hoạt động BV, chậm thanh toán nợ cho các công ty là trách nhiệm thuộc về giám đốc BV và trưởng phòng tài chính - kế toán các thời kỳ… Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM yêu cầu BV Nguyễn Tri Phương tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai sót theo kết quả thanh tra đã nêu ở phần kết luận thanh tra, báo cáo kết quả cho Sở Y tế sau 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận.


TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục