Hàng ngàn ca cấp cứu do ngộ độc rượu

Ngày 13-2, Bộ Y tế cho biết, tính tới ngày mùng 6 Tết Bính Thân 2016, tại các bệnh viện trong cả nước đã ghi nhận tới hơn 2.200 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, trong đó mùng 4 và 5 Tết đã có 230 trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu với 1 ca tử vong.

(SGGP).- Ngày 13-2, Bộ Y tế cho biết, tính tới ngày mùng 6 Tết Bính Thân 2016, tại các bệnh viện trong cả nước đã ghi nhận tới hơn 2.200 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu, trong đó mùng 4 và 5 Tết đã có 230 trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu với 1 ca tử vong.

Bác sĩ Ngô Đức Ngọc (khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong những ngày nghỉ tết vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 5 bệnh nhân vào viện do xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản do uống quá nhiều rượu, trong đó nhiều bệnh nhân uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp Methanol.

TS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn Methanol do biểu hiện của ngộ độc chất Methanol khá giống biểu hiện của say rượu. Độc tính của Methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, với bệnh nhân say rượu thường có biểu hiện chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, buồn nôn và nôn. Còn đối với bệnh nhân ngộ độc rượu, thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện như: bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê, yếu một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo, thở khò khè, nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

Cùng với bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao, trong những ngày nghỉ tết vừa qua, các bệnh viện toàn quốc đã ghi nhận trên 3.400 người vào viện do đánh nhau, trong đó có 10 ca tử vong, tăng 2,5 lần so với Tết Ất Mùi. Số ca đánh nhau nhiều nhất rơi vào thời điểm Giao thừa. Trong 3 ngày nghỉ tết đầu tiên, cả nước có gần 2.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục