Mối lo ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc dồn dập
Mối lo ngộ độc thực phẩm

Liên tiếp trong hai tuần qua đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện cấp cứu tại Bình Dương và TPHCM. Đây chính là những hồi chuông cảnh báo về mối lo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt là an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, những cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) chưa được kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu…

Công nhân ngộ độc thực phẩm nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức TPHCM

Ngộ độc dồn dập

Từ đầu tháng 7-2015 đến nay đã có 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm không ít công nhân lo lắng. Vụ thứ nhất xảy ra tại Công ty TNHH Meraki FW (KCN Sóng Thần, Bình Dương) khiến gần 200 công nhân phải vào Bệnh viện Quân đoàn 4 để cấp cứu, điều trị trong tình trạng bị nôn ói, đau bụng, đi cầu do rối loạn tiêu hóa. Trước đó, ngày 15-7, một vụ ngộ độc tập thể khác xảy ra tại Công ty Sản xuất giày da Lập Sinh (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Sau suất ăn chiều chuẩn bị vào ca với thực đơn gồm thịt heo xào cải chua, đậu hũ chiên, dưa leo, gần 100 công nhân bị đau bụng, nôn ói, phải nhập viện cấp cứu. Rất may các công nhân đã được điều trị kịp thời tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) và Bệnh viện Quân đoàn 4 (Bình Dương) nên không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng người mắc khá lớn. Chưa kể, vào ngày 24-4-2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã vào cuộc điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Túi xách Simone (KCN Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) làm 120 công nhân nhập viện với các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy… Chỉ trước đó một ngày, một vụ ngộ độc khác cũng xảy ra khiến gần 300 công nhân trong KCN Long Hậu (tỉnh Long An) phải đi cấp cứu sau bữa cơm chiều chuẩn bị vào ca với các món gà kho sả, rau cải luộc và canh bí. Số công nhân ngộ độc vào viện cấp cứu nhiều đến nỗi ngành y tế TPHCM phải khẩn cấp điều động nguồn lực hỗ trợ.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm qua, toàn quốc đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong KCN-KCX, làm 6.566 người mắc, 6.059 người đi viện. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng số mắc đang có chiều hướng gia tăng. Trong số những vụ ngộ độc tập thể thì 68% có nguyên nhân từ bếp ăn tập thể. Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm cho thấy các lỗi chủ yếu của các bếp ăn tập thể hay cơ sở cung cấp suất ăn là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (chiếm 19,01%); điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, phòng ăn không đạt (chiếm 16,7%); vi phạm về lưu mẫu (hơn 16,16%); vi phạm đối với trang thiết bị, dụng cụ chứa đựng thực phẩm (chiếm hơn 14,54%) và vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc (chiếm gần 9,25%).

Ham suất ăn rẻ!

Thực tế cho thấy bên cạnh những vi phạm về chế biến, bảo quản, các cơ quan chức năng nhìn nhận giá trị suất ăn có vai trò rất lớn, quyết định chất lượng có đảm bảo hay không. Trong buổi điều tra vụ ngộ độc tập thể tại Công ty TNHH Meraki FW (KCN Sóng Thần, Bình Dương) vừa qua, ông Cao Văn Trung (Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm) đã mục sở thị cơ sở nấu ăn của Công ty Đông Dương (Bình Dương) và ngạc nhiên vì giá suất ăn rẻ bất ngờ: khoảng 15.000 - 16.000 đồng/suất. “Với giá rẻ như vậy thì để có nguyên liệu thực phẩm tươi, đảm bảo dinh dưỡng là hơi khó”, ông Trung nhìn nhận.

Tuy nhiên, qua đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng thì giá đó là khá so với mặt bằng chung vì còn nơi suất ăn chỉ ngang bằng giá trị của một ổ bánh mì kẹp chả. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận trong hội nghị về an toàn thực phẩm mới đây tại Thái Nguyên. “Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi thấy một thực trạng, nhiều doanh nghiệp còn để giá trị khẩu phần ăn của một suất ăn cho công nhân thấp, có những nơi mỗi suất ăn chỉ có giá trị từ 10.000 đến 12.000 đồng, bao gồm cả lãi của đơn vị cung cấp suất ăn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long băn khoăn.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, hiện thành phố có 3.618 bếp ăn tập thể và 124 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy giá trị suất ăn còn quá thấp, chưa đủ đảm bảo an toàn và dinh dưỡng. Điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM gần đây cũng xác nhận: 30% công nhân tại các KCN-KCX tại TPHCM bị suy dinh dưỡng; đặc biệt rất nguy hại cho công nhân mang thai, nuôi con nhỏ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài. WHO cảnh báo trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu lên 22 triệu). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục