Chật vật khám bảo hiểm ở trạm y tế

Chật vật khám bảo hiểm ở trạm y tế

Với mục tiêu 100% trạm y tế phường - xã tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2015, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khuyến khích đầu tư và vận động người dân đăng ký khám tại trạm y tế. 

Đây là chủ trương nhằm giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên cũng như góp phần đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong năm 2020. Tuy nhiên, thực tế người dân chưa mặn mà khám BHYT tại trạm!

Chật vật khám bảo hiểm ở trạm y tế ảnh 1

Khám bệnh diện bảo hiểm y tế tại một trạm y tế TPHCM

Người dân chưa tin

Nằm khuất trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Trạm Y tế phường 24, quận Bình Thạnh (TPHCM) có cơ ngơi khá sạch sẽ, thoáng đãng và trang thiết bị cơ bản đầy đủ. “Trạm đã được thẩm định và cho phép khám BHYT ban đầu rồi”, BS Lê Thị Thanh Hà, Trưởng trạm, khoe. Thế nhưng, sau hơn 7 tháng được phép khám BHYT, đến nay số thẻ cũng như số người đến khám còn rất khiêm tốn. Theo BS Hà, đã có 31 thẻ đăng ký khám BHYT nhưng thực tế chỉ có 11 người đến khám, có người mắc bệnh mạn tính nhưng đến khám một lần rồi “biệt tăm”, có người lại xin chuyển BHYT. “Cả trạm chỉ mỗi mình tôi là bác sĩ, ai đến khám tôi biết hết. Nhưng có lúc đi họp hành hay công tác bên ngoài nên phải hẹn lại, khiến người bệnh chưa vui”, BS Hà chia sẻ. Khi được hỏi địa bàn phường lên tới 25.177 dân với hơn 4.000 hộ gia đình, nhưng con số BHYT đăng ký tại trạm quá ít, BS Hà cho biết người dân chủ yếu đăng ký khám ở Bệnh viện quận Bình Thạnh hoặc Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì không xa xôi là mấy.

Tương tư, nhiều trạm y tế của các quận, huyện khác cũng được đầu tư xây mới hoặc cải tạo nâng cấp, mở rộng, mua sắm trang thiết bị “đạt chuẩn” khám BHYT, nhưng vẫn chưa thu hút người dân. Ví dụ như Trạm Y tế xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) có nhiều phòng khám như phòng xét nghiệm, chích ngừa, khám thai, phụ khoa, y học cổ truyền, phòng lưu bệnh, siêu âm, phòng thủ thuật, tiệt trùng, hậu sản… được nhận khám chữa bệnh ban đầu bằng thẻ BHYT từ năm 2011, nhưng theo một lãnh đạo trạm, vẫn rất ít người đến đăng ký khám.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ giám định Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, qua gần 2 năm triển khai khám BHYT ban đầu xuống trạm y tế, cơ quan này đã thẩm định đủ điều kiện cho hơn 130/322 trạm y tế của 24 quận, huyện. Thống kê cho thấy hiện BHXH TPHCM chỉ mới cấp khoảng gần 25.000 thẻ BHYT cho người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Tuy nhiên, theo bà Hằng, đa số thẻ cấp cho người dân khám ở các trạm y tế vùng sâu, vùng xa như ở Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, do đặc thù cư dân ở xa bệnh viện.

Chỉ nên phát triển nơi dân cần

Thực tế cho thấy tâm lý và nhu cầu người dân vẫn chưa tin tưởng vào hệ thống khám chữa bệnh tại trạm y tế. Vậy nhưng TPHCM vẫn quyết liệt thực hiện khám chữa bệnh BHYT, thậm chí sắp tới triển khai đề án bác sĩ gia đình đến 100% trạm. Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM mới đây, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, nhìn nhận các trạm y tế còn yếu và thiếu cả về nhân lực lẫn vật lực. “Không có bác sĩ nào chịu về trạm y tế, hiện nhiều trạm chưa có bác sĩ. Mặt khác, trưởng trạm y tế cũng kiêm nhiệm nhiều việc, họp hành nhiều, có khi phải đi khám sàng lọc tiêm chủng hỗ trợ các trạm khác liên tục 5 - 6 tháng, nên người dân có đến khám cũng không có bác sĩ”, BS Thái băn khoăn. Theo BS Thái, trạm y tế chưa đủ tạo niềm tin cho người dân, không chỉ chuyên môn mà ngay cả thuốc thang cũng nghèo nàn… Trước đó, làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp cũng cho biết quận có 5 phòng khám bác sĩ gia đình ở 5 trạm y tế hoạt động từ tháng 3-2014, nhưng sau 7 tháng đi vào hoạt động chỉ tiếp nhận và làm hồ sơ bệnh án được… 9 bệnh nhân. Ngoài ra, 7 trạm y tế khác của quận Gò Vấp đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT ban đầu nhưng người dân đăng ký cũng chỉ… lèo tèo!

Qua ghi nhận thực tiễn, các chuyên gia y tế đánh giá khám BHYT tại trạm có ý nghĩa đáng kể đối với người dân vùng ngoại thành do bệnh viện quận, huyện, thành phố ở xa, đi lại khó khăn. Thế nhưng, đối với trạm y tế của các quận nội thành - bị “bao vây” bởi hàng loạt phòng khám, bệnh viện - thì hẳn nhiên rất thưa thớt bệnh nhân đăng ký khám. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, đã từng viện dẫn rằng trước khi triển khai thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế phường, xã, TPHCM đã thí điểm tại 3 phường của quận Bình Thạnh. Những tháng đầu, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện quận xuống trạm y tế phường khoảng 30 - 40 người/tháng, nhưng những tháng sau con số này chỉ còn khám 5- 6 người!

Để nắm bắt thực tế triển khai BHYT đến người dân, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP vừa tiếp tục khảo sát tại một số trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn TP. Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TP, cho rằng chủ trương khám BHYT tại trạm y tế là đúng nhưng các cơ quan chức năng liên quan làm chưa tới, chưa chuyên nghiệp. Ông Hùng đề nghị BHXH TPHCM xem xét lại hệ thống đại lý bán BHYT tại các xã, phường theo hướng chuyên nghiệp hơn, phải tập huấn, đào tạo đội ngũ bán BHYT và phải tiếp thị hấp dẫn, định hướng người dân tin cậy vào việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia y tế, không nhất thiết bắt buộc 100% trạm y tế khám BHYT, mà chỉ tập trung ở những quận ven, huyện, khu vực vùng sâu, vùng xa.

  Tỷ lệ tham gia BHYT của TPHCM dưới mức chung cả nước

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TPHCM là địa phương có độ phủ BHYT còn rất thấp. Tỷ lệ bao phủ chung của cả nước đến hết năm 2014 là 71,6%, trong khi TPHCM chỉ đạt 69,2% dân số tham gia BHYT. Để TPHCM đạt chỉ tiêu 76% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 theo chỉ thị của Chính phủ, phải tăng ít nhất 500.000 người tham gia BHYT.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục