Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam: “Bửu bối”ngày càng đắt khách

Tỷ lệ thành công cao
Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam: “Bửu bối”ngày càng đắt khách

Mặc dù đi sau hàng chục năm nhưng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) của Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới và nhất, nhì khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, các trung tâm TTTON của nước ta thu hút gần 1.000 cặp vợ chồng khắp các nước (70% là Việt kiều) đến khám, điều trị và tỷ lệ thành công rất lớn. Đây là được xem là một kỹ thuật y học điển hình trong số những kỹ thuật y khoa tiên tiến mà Việt Nam đang đi đầu trong nhiều năm qua.

Một ca sinh mổ từ thụ tinh trong ống nghiệm thành công ở Bệnh viện Từ Dũ TPHCM

Tỷ lệ thành công cao

Là Việt kiều Mỹ, vợ chồng anh H.V.L. (42 tuổi) kết hôn từ năm 2004. Tuy nhiên, sau nhiều năm chung sống nhưng không thể có con do được bác sĩ nhiều nơi chẩn đoán vô sinh - hiếm muộn thứ phát do người vợ bị teo buồng trứng. “Đã thăm khám nhiều bệnh viện ở Mỹ nhưng điều trị không thành công mà tốn rất nhiều chi phí”, anh L. nói. Năm 2013, vợ chồng anh về Việt Nam thăm quê hương và tìm hiểu chạy chữa hiếm muộn nên đến Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Vạn Hạnh TPHCM. Và thật hạnh phúc, sau một năm điều trị, đến cuối năm 2014 vợ chồng anh L. đã hạ sinh một bé gái kháu khỉnh, bụ bẫm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Định Hà, Bệnh viện Vạn Hạnh, cho biết đã có nhiều trường hợp như vợ chồng anh L., thậm chí mức độ vô sinh - hiếm muộn còn nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như trường hợp vợ chồng chị N.T.N. mang thai ngoài nằm ở vòi trứng bên phải, sau đó phẫu thuật cắt vòi trứng. Không may là khi phẫu thuật phát hiện thêm vòi trứng trái cũng hư nên cắt luôn. Tưởng rằng hy vọng làm cha mẹ đã hết nhưng nhờ kỹ thuật TTTON mà Bệnh viện Vạn Hạnh đã thực hiện kích thích nhẹ buồng trứng. Kết quả chị N. có được 7 trứng và qua cấy thụ tinh đã có em bé… Thành lập năm 2007, Khoa Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Bệnh viện Vạn Hạnh trở thành trung tâm đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống nuôi cấy phôi với nồng độ ôxy sinh lý. Đến nay đã có hơn 2.000 em bé sinh ra từ phương pháp TTTON.

Tương tự, Đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện An Sinh (IVFAS) cũng thu hút lớn lượng bệnh nhân trong và ngoài nước đến TTTON do được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao cấp, là một trong những trung tâm TTTON hàng đầu tại Đông Nam Á hiện nay.

Theo BS Ngô Đặng Sơn Anh, Giám đốc Bệnh viện An Sinh, tỷ lệ có thai đạt trung bình 40%, thuộc loại cao nhất ở Việt Nam. Hiện IVFAS là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ “clean room” cho khu vực kỹ thuật TTTON. Công nghệ này giúp tạo môi trường không khí và môi trường nuôi cấy phôi sạch nhất và an toàn nhất cho sự phát triển của phôi và bệnh nhân khi thực hiện TTTON.

Việc ứng dụng “clean room” trong TTTON được khuyến cáo theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu nhằm tạo điều kiện phát triển an toàn nhất cho phôi và giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi lên sự phát triển của phôi thai. “Đã có nhiều cặp vợ chồng sang Singapore, Pháp, Thái Lan… điều trị vô sinh không thành công, nhưng về Việt Nam điều trị thành công”, BS Sơn Anh nói.

Đi đầu trong kỹ thuật

 

* Qua 18 năm triển khai chương trình TTTON, hiện cả nước đã có 20 trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp TTTON với hơn 15.000 em bé ra đời, mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn với chi phí hợp lý.

 

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 250 - 300 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. “Số lượng cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh đến khám tăng lên mỗi năm và nếu như cách đây 10 năm, con số trên chưa tới vài chục cặp thì nay đã có hàng ngàn cặp đến khám mỗi năm”, BS Tuyết nói. Ghi nhận tại BV Từ Dũ cũng cho thấy hiện nay số chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung và TTTON ngày càng tăng. Với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, bình quân mỗi tháng Khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ thực hiện 200 - 300 ca với tỷ lệ có thai 18% - 20%. Và số chu kỳ TTTON đạt 200 - 250 ca/tháng, tỷ lệ thai lâm sàng đạt 35% - 40%...

Đi đầu trong việc triển khai chương trình TTTON từ năm 1997, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM đã không ngừng sáng tạo, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến. Từ thành công ban đầu của kỹ thuật TTTON cổ điển (IVF - Invitro Fertilization) vào năm 1998, bệnh viện đã triển khai áp dụng tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) giải quyết những trường hợp thụ tinh bất thường, giúp nâng cao tỷ lệ thụ tinh và đã cho ra đời em bé đầu tiên bằng kỹ thuật này năm 1999. Tiếp đó là triển khai kỹ thuật tiên tiến trữ lạnh phôi - chuyển phôi trữ giúp bảo quản những phôi dư hoặc trong trường hợp không thể chuyển phôi ngay ngày chọc hút trứng. Em bé đầu tiên ra đời năm 2003 bằng kỹ thuật này. Kế đến là lập ngân hàng tinh trùng giúp những trường hợp chồng không có tinh trùng do suy tinh hoàn, nhiễm HIV được nhận mẫu tinh trùng từ ngân hàng để điều trị; hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser… Ngoài ra còn có kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD) giúp xác định phôi bình thường hay bất thường khi cấy vào buồng tử cung, một kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới.

Theo GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, Việt Nam là nơi thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị trên thế giới, đã tập huấn kỹ thuật TTTON cho hàng chục đoàn bác sĩ các nước, trở thành 1 trong 4 trung tâm đào tạo về hỗ trợ sinh sản lớn của châu Á. Thế nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều so với những quốc gia khác. “Một ca TTTON ở Việt Nam chi phí khoảng 60 triệu đồng (tức khoảng 3.000 USD), tỷ lệ thành công đạt khoảng 40%. Trong khi tại Mỹ và một số quốc gia tiên tiến khác, tỷ lệ chỉ đạt gần 35% nhưng mất từ 12.000 - 15.000 USD”, BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết.

Hỗ trợ sinh sản TTTON là kỹ thuật “bửu bối” của Việt Nam mà y học tiên tiến nhiều nước thừa nhận. Do đó, không chỉ điều trị cho người dân trong nước mà cần quảng bá thu hút bệnh nhân nước ngoài, tạo điều kiện về thủ tục visa, hải quan, thanh toán viện phí, bảo hiểm, pháp lý, chứng sinh, du lịch chăm sóc sức khỏe… nhằm mang ngoại tệ về cho nước nhà.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục