Đổ bệnh mùa tựu trường

Vừa bước qua tuần thứ hai của năm học mới 2014 - 2015, không ít phụ huynh than thở vì con trẻ thấm bệnh, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học. Theo Sở Y tế TPHCM, tựu trường đầu năm học thường là thời điểm một số dịch bệnh có biểu hiện gia tăng, trong đó đáng chú ý là các dịch bệnh tay chân miệng, hô hấp, tiêu chảy…
Đổ bệnh mùa tựu trường

Vừa bước qua tuần thứ hai của năm học mới 2014 - 2015, không ít phụ huynh than thở vì con trẻ thấm bệnh, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học. Theo Sở Y tế TPHCM, tựu trường đầu năm học thường là thời điểm một số dịch bệnh có biểu hiện gia tăng, trong đó đáng chú ý là các dịch bệnh tay chân miệng, hô hấp, tiêu chảy…

Xông mũi họng trị bệnh hô hấp cho trẻ ở BV Nhi đồng 2.

Học 2 ngày, nghỉ 3 ngày

Ôm đứa con nhỏ hơn 2 tuổi chờ đến lượt khám tại Khoa Khám trẻ lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM sáng 18-9, chị Nguyễn Thị Ngọc H. (ngụ quận 7, TPHCM), than thở: “Cháu năm nay đi học mầm non mà mới học một tuần đã 2 lần đi khám rồi”.

Theo chị H., khi ở nhà con trai chị cũng thỉnh thoảng sổ mũi, ho nhưng nay đi học chưa quen môi trường mới nên bệnh viêm phế quản của cháu lại tái phát.  Trong khi đó, chị Trần Hồng Ph. (ngụ Bình Dương) cũng vừa mua một bịch thuốc nào là Dutixim 100mg, Apcoform 60ml, Deslotid, Lactomin plus… cho đứa con gái 3 tuổi vừa được bác sĩ khám chẩn đoán viêm mũi họng cấp. “Mới đi học lại mấy bữa đã đổ bệnh. Năm ngoái cũng thế, đến kỳ đi học đầu năm thế nào cũng phải bệnh mất vài ngày”, chị Ph. nói.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, số trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học đến khám trong tuần qua đã gia tăng trở lại sau những  ngày khai giảng năm học mới. Theo bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2, mùa mưa tại khu vực Nam bộ đang cao điểm cộng với mùa tựu trường là điều kiện khiến trẻ mắc bệnh hô hấp tăng cao. Thời điểm bình thường, khoa điều trị khoảng 160 - 170 bệnh nhân thì hiện nay có ngày tăng lên tới gần 270 ca. Bệnh nhân quá đông trong khi khoa chỉ có 154 giường nên các bé phải nằm ghép, nằm võng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo gia tăng. Cũng theo bác sĩ Thu Loan, phổ biến nhất là viêm hô hấp cấp trên, viêm phế quản, viêm mũi họng…

Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng khám không dưới 400 trẻ mỗi ngày liên quan đến bệnh đường hô hấp. Mỗi ngày, khoa hô hấp của bệnh viện phải tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Nhiều ngày qua, số trẻ nằm tại khoa hô hấp luôn dao động ở mức khoảng 300 trường hợp, tình trạng trên khiến khoa bệnh gần như không còn lối đi.

Bên cạnh đó, các bệnh đường tiêu hóa, tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại sau những ngày khai giảng. Theo các bác sĩ Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, đối tượng mắc rối loạn tiêu hóa nhiều nhất trong tuần qua là trẻ mầm non. “Các cháu bắt đầu đi học, ăn uống ở trường xáo trộn so với ở nhà nên rối loạn tiêu hóa là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu chảy cấp thì rất nguy hiểm”, một bác sĩ cho biết. Ngoài ra, dịch bệnh tay chân miệng gia tăng trở lại một cách đáng ngại.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính đến giữa tháng 9, TPHCM đã ghi nhận 6.542 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, riêng tuần thứ hai của tháng 9 có 106 ca nhập viện, tăng 9 ca so với tuần trước đó.

Không lơ là

Cùng với một số dịch bệnh khác, dịch sốt phát ban nghi sởi cũng chưa lắng xuống. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, các tuần đầu tháng 9 có số ca nhập viện tăng so với các tuần trước, số ca nhập viện tích lũy trong 37 tuần đầu năm 2014 là 2.572 ca. Dịch sốt xuất huyết cũng khiến 149 ca nhập viện trong tuần đầu tháng 9, nâng ca mắc từ đầu năm đến nay lên 5.161 ca.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM xác nhận, một số dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và nhất là trong thời điểm đầu năm học. Bên cạnh một số địa phương, nhà trường chủ động phòng ngừa dịch bệnh thì vẫn nhiều đơn vị chưa tích cực. Do đó, Sở Y tế đã có chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện đốc thúc phối hợp với các phòng giáo dục để triển khai kế hoạch khám sức khỏe, tiêm vét vaccine phòng ngừa dịch bệnh cho học sinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 30% - 40% trẻ mắc bệnh là lây trong trường học. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khuyến cáo các bậc phụ huynh có trẻ dưới 5 tuổi phải luôn đảm bảo vấn đề vệ sinh cá nhân. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn cho bé, sau khi đi vệ sinh, thay quần áo cho trẻ, sau khi trở về từ bệnh viện, đi đường về nhà. Riêng các khối lớp học ở các nhà trường, cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho học sinh, phát động các chiến dịch vệ sinh cá nhân, lớp học, nhà trường…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục