Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN: Thách thức lớn từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Giải bài toán 30% dân số chưa tham gia BHYT
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN: Thách thức lớn từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi

Trong 5 ngày từ 15 đến 19-9, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Ngày 17-9, nhiều hoạt động chuyên môn bên lề sự kiện này đã diễn ra với các vấn đề y tế nổi bật của khu vực, trong đó có dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola; vấn đề bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân cho nhóm đối tượng phi chính thức...

Giải bài toán 30% dân số chưa tham gia BHYT

Tại hội thảo về “bao phủ BHYT khu vực phi chính thức”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến  cho biết, từ 1-1-2015, tại Việt Nam Luật BHYT mở rộng quyền lợi cho các đối tượng tham gia BHYT, trong đó người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ không phải chịu đồng chi trả khi khám chữa BHYT.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Trên lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Việt Nam đã đạt tỷ lệ 69% dân số tham gia từ năm 2013. Cùng với mở rộng bao phủ, tỷ lệ chi từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế cũng gia tăng qua các năm. Người nghèo và người dân tộc thiểu số đã được bao phủ BHYT thông qua nguồn thu ngân sách. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản tài chính đối với người nghèo trong khám chữa bệnh.

Ngoài việc hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, ngành y tế Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng tính hấp dẫn của BHYT gắn với các chính sách để khuyến khích người dân tự giác tham gia BHYT.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN đang phải đối mặt với thách thức trong việc mở rộng bao phủ BHYT đối với khoảng hơn 30% dân số chưa tham gia. Vì vậy, hội nghị đã kêu gọi sự hợp tác giữa các nước thành viên của ASEAN + 3 cùng chung tay thúc đẩy tiến trình chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khu vực.

Hợp tác phòng dịch bệnh mới nổi

Cùng ngày, hội thảo về bệnh truyền nhiễm mới nổi đã diễn ra bên lề hội nghị. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những năm gần đây khu vực châu Á - Thái Bình Dương được coi là nơi dễ xảy ra một số bệnh truyền nhiễm mới nổi như SARS, cúm A/H5N1... Các quốc gia ASEAN vẫn đang tiểm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm từ các khu vực khác như hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virus Corona MER-CoV, Ebola, HIV/AIDS, cúm A/H7N9, bại liệt…
 
Nhiều bệnh không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bối rối như bệnh Ebola rõ căn nguyên, nhưng khả năng về chẩn đoán không phải tất cả các nước đều chẩn đoán được. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, nguy cơ của ca bệnh Ebola đầu tiên đến Việt Nam là thấp vì khoảng cách xa… Đặc điểm của bệnh là lây lan nhanh, rộng. WHO đã có các cuộc họp về vấn đề này và đưa ra lộ trình: chấm dứt dịch bệnh Ebola trong 6 - 9 tháng và ngăn chặn lan sang các quốc gia khác. Áp dụng tình trạng khẩn cấp; chuẩn bị sẵn sàng ở các nước. Một bệnh đáng ngại nữa là virus MERS-Cov có thể lây qua giao lưu đi lại giữa các nước. Việc ngăn chặn sự lây nhiễm qua con đường này là hết sức khó khăn. Trường hợp ở Malaysia nhiễm virus này là đi hành hương về và bị lây nhiễm.
 
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững, gây trở ngại cho phát triển kinh tế, tạo áp lực cho hệ thống y tế của các nước thành viên ASEAN và đe dọa an ninh y tế toàn cầu nói chung. Từ thực tế đó, các nước thành viên ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trưởng đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam cho biết, 75% bệnh mới nổi từ động vật lây sang người như bệnh cúm do đó cần nỗ lực ưu tiên phòng chống. Để phòng bệnh hiệu quả, đại diện CDC cho rằng cần tiêm chủng, phòng chống nhiễm khuẩn, phát hiện sớm nguồn lây bệnh và xử lý.

Hôm nay, 18-9, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội.

LÂM NGUYÊN

Tất cả trẻ em từ 1 đến 14 tuổi được tiêm chủng sởi và rubella

Ngày 17-9, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tổ chức triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi và rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, để tiến tới loại trừ bệnh sởi theo mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2017 và khống chế bệnh rubella (là 2 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bởi số người mắc bệnh lớn, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc), Việt Nam sẽ tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi và rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 14 tuổi với số lượng khoảng 23 triệu trẻ trên phạm vi cả nước.

Để tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi và rubella được triển khai thành công và đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị UBND các tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo toàn diện tiêm phòng vaccine; huy động các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể tại địa phương tham gia tiêm chủng, bảo đảm an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi và rubella trên 95% cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi ở quy mô xã, phường, thị trấn.
 
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành thống kê, lập danh sách đối tượng tiêm chủng tại trường học và tổ chức các điểm tiêm chủng trong trường học.

Tin cùng chuyên mục