“Trực chiến”ứng phó dịch Ebola

Nghiên cứu quy trình xét nghiệm
“Trực chiến”ứng phó dịch Ebola

Trước diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola chưa có dấu hiệu suy giảm, ngày 25-8, các cơ quan kiểm soát dịch bệnh cho biết vẫn trong tình trạng “trực chiến” 24/24 giờ. Đặc biệt, các đội “đặc nhiệm” cơ động phòng chống dịch bệnh cũng đã được thiết lập và sẵn sàng ứng phó với dịch khi cần thiết.

Khu cách ly dịch bệnh Ebola ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Nghiên cứu quy trình xét nghiệm

Đã qua 3 ngày kể từ khi trường hợp một công nhân (làm việc ở Liberia trở về) tự nguyện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM xin cách ly giám sát, đến hôm qua (25-8) không còn trường hợp nào phải cách ly tại đây. Theo Sở Y tế TPHCM, công tác giám sát dịch bệnh Ebola vẫn được tăng cường và chỉ đạo giám sát đến tận trạm y tế phường, xã.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết sau khi các trường hợp được cho xuất viện, không giám sát tại bệnh viện thì triển khai các biện pháp giám sát tại cộng đồng. Theo đó, sau khi về cộng đồng, Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng quận, huyện xác định địa chỉ cư trú để giám sát. “Hàng ngày cán bộ y tế sẽ kiểm tra sức khỏe, nếu có bất thường báo cáo ngay cho cơ quan y tế cấp trên để xử lý. Hoặc bản thân người được giám sát và gia đình thấy có dấu hiệu sức khỏe như những khuyến cáo, tư vấn của bác sĩ liên quan đến dịch bệnh thì gọi báo ngay cho cơ quan y tế”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, hiện ngành y tế TPHCM đã chuẩn bị trang thiết bị, tập huấn cho bác sĩ, điều dưỡng các cơ sở y tế để nếu có dịch thì xử lý ngay. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết công tác kiểm dịch vẫn triển khai mỗi ngày bằng phương pháp chủ yếu là đo thân nhiệt từ xa. Trước thực tế có những hành khách đến từ các vùng có dịch nhưng khi đến Việt Nam đang ở giai đoạn ủ bệnh, chưa phát sốt nên không thể phát hiện được hoặc uống thuốc hạ sốt, ông Sáu cho rằng điều này cần nêu cao trách nhiệm của chính hành khách đó tự đến cơ sở y tế khi biểu hiện có bệnh và y tế địa phương nơi cư trú.

Bên cạnh giám sát, việc xét nghiệm để phát hiện bệnh dịch Ebola cũng đang là khó khăn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết khu cách ly dịch Ebola vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và cơ số bác sĩ, điều dưỡng túc trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, mặc dù phòng xét nghiệm (Labo) của bệnh viện mới thuộc hạng cấp 3 với công nghệ sinh học phân tử vẫn có thể làm được các mẫu xét nghiệm bệnh dịch Ebola nhưng hiện chưa được Bộ Y tế công nhận.

“Bệnh viện đang đợi Bộ Y tế đưa ra quy trình xét nghiệm chuẩn để áp dụng và chúng tôi cũng đã kiến nghị để Bộ Y tế cho thẩm định phòng xét nghiệm của bệnh viện nhằm thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm Ebola khi cần”, TS Châu nói.

Tại Viện Pasteur TPHCM, hiện phòng xét nghiệm của viện này cũng đang nghiên cứu các quy trình xét nghiệm Ebola để trình Bộ Y tế phê duyệt cũng như tham vấn cho Bộ Y tế ban hành quy trình xét nghiệm chuẩn. Theo Bộ Y tế, hiện chỉ có 9 phòng xét nghiệm tham chiếu của Tổ chức Y tế thế giới trên toàn cầu nhưng không có phòng xét nghiệm nào ở Việt Nam.

Tăng cường các đội cơ động

Để tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết đã thành lập 6 đội cơ động phòng, chống dịch bệnh này ngay tại cộng đồng. Theo ông Lân, không chỉ TPHCM mà các tỉnh, thành khác khu vực phía Nam cũng có cửa khẩu nên không loại trừ hành khách đến từ các vùng có dịch về Việt Nam qua các nước giáp biên giới. Hơn nữa, nhiều trường hợp hành khách từ vùng dịch đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó di chuyển về các tỉnh. “Các đội cơ động  luôn túc trực và sẵn sàng ứng phó khi cần, kể cả xuống các tỉnh, thành”, ông Lân nói.

Khả năng bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam là có thể, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết, đối với các hành khách nhập cảnh từ 4 nước có dịch (Guinea, Nigeria, Sierra Leone, Liberia) phải thực hiện tờ khai y tế. Những trường hợp phát hiện có dấu hiệu sốt sẽ được cách ly, theo dõi và sẽ áp dụng cách ly cưỡng chế đối với các trường hợp bắt buộc. Ngoài ra, các chuyến bay phát hiện người nghi ngờ nhiễm sẽ được khử khuẩn toàn bộ máy bay.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện còn một số công dân Việt Nam đang lao động và sinh sống tại các quốc gia có Ebola (Sierra Leone có 34 người, Nigeria có 60 người và Liberia 20 người). Do đó, các công tác kiểm dịch y tế phải luôn ứng trực bởi nhiều khả năng khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở các nước đó thì công dân Việt Nam sẽ trở về.

TƯỜNG LÂM

Ai có nguy cơ cao nhiễm bệnh Ebola?

° Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm Ebola; người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm Ebola trong rừng; cán bộ y tế.

° Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh Ebola: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn ói, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.

° Khi nào nên đi khám? Nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

° Có thể làm gì để phòng nhiễm virus Ebola? Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do Ebola.

° Phòng ngừa như thế nào? Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế; nếu cần chăm sóc bệnh nhân mắc Ebola tại nhà, phải thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân; khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

CHDC Congo có 2 ca nhiễm virus Ebola

Bộ Y tế CHDC Congo vừa xác nhận 2 ca đầu tiên nhiễm virus Ebola trong năm nay, song khẳng định 2 bệnh nhân này (đã chết) không liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành tại 4 nước Tây Phi. Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Felix Kabange Numbi khẳng định hai ca nhiễm mới này “không liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành ở Tây Phi” mà là một chủng khác.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo một trong các chuyên gia dịch tễ học của mình đã nhiễm bệnh khi làm việc tại Sierra Leone. WHO không nói rõ danh tính của y tá này, song cho biết anh đang được chăm sóc tốt nhất.

Cùng ngày, y sĩ người Anh đầu tiên nhiễm virus Ebola sống ở Sierra Leone đã được đưa về bệnh viện London và cách ly để điều trị. Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha đưa tin 2 công dân nước này nghi nhiễm virus Ebola đã có xét nghiệm âm tính. Hai bệnh nhân này từng ở Guinea trước khi về Tây Ban Nha.

CHI HẠNH

Tin cùng chuyên mục