Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ

Hai mươi năm trước, “Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” với chủ đề “Bệnh viện bạn hữu trẻ em” lần đầu tiên được tổ chức do sáng kiến Tổ chức Nuôi con bằng sữa mẹ thế giới (World Alliance Breastfeeding Action). Từ đó “Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” được tổ chức hàng năm vào tuần đầu của tháng 8 được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF)...

Hai mươi năm trước, “Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” với chủ đề “Bệnh viện bạn hữu trẻ em” lần đầu tiên được tổ chức do sáng kiến Tổ chức Nuôi con bằng sữa mẹ thế giới (World Alliance Breastfeeding Action). Từ đó “Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” được tổ chức hàng năm vào tuần đầu của tháng 8 được sự ủng hộ nhiệt tình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF)...

Năm 2011, có 136,7 triệu trẻ em được sinh ra trên toàn thế giới, nhưng chỉ có 32,6% trong số đó được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên và tốt nhất cho trẻ nhỏ vì trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, từ các chất dinh dưỡng sinh năng lượng đến các vi chất dinh dưỡng quý giá. Thành phần các chất dinh dưỡng đó có tỷ lệ cân đối và phù hợp với chức năng sinh lý của hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch của trẻ nhỏ nên rất thích hợp cho sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ.

Trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non còn có cả kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ sẽ ít bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn, ít mắc bệnh nhiễm trùng, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản,… Trẻ không được bú mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bú mẹ trong 2 năm đầu còn phòng ngừa thấp còi cho trẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không được bú mẹ hoàn toàn đóng góp vào 45% tử vong do nhiễm trùng sơ sinh, 30% tử vong do tiêu chảy cấp, 18% tử vong do nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trên thực tế, qua điều tra dịch tễ của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 30 phút sau sinh đã tăng đáng kể (75,4%), tuy nhiên tỷ lệ trẻ được nuôi bằng sữa mẹ chưa cao, đặc biệt là tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ đạt 19,4%.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ theo khuyến nghị của ngành y tế. Các yếu tố đó như: Mẹ phải đi làm sớm, mẹ lao động nặng, việc quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ có tác động tiêu cực khiến một số bà mẹ không tin tưởng vào dòng sữa của mình, một số bà mẹ không biết cách cho trẻ bú đúng và bảo vệ nguồn sữa của mình, thiếu sự hỗ trợ giúp đỡ của người thân cả về tinh thần, lẫn công việc nội trợ cho bà mẹ, thiếu điều kiện hỗ trợ bà mẹ cho trẻ bú mẹ ở nơi làm việc…

Tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe kém của bà mẹ trước và trong khi mang thai cũng ảnh hưởng đến lượng sữa của bà mẹ. Một số bà mẹ còn được truyền tụng quan niệm không đúng như cần cho trẻ ăn dặm sớm để trẻ mau “cứng cáp” cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhũ nhi của chúng ta chưa được hưởng những gì tốt đẹp nhất mà tạo hóa đã ban tặng thông qua người mẹ.

Để cho mọi trẻ em sinh ra đều được hưởng dòng sữa mẹ giàu dinh dưỡng mát lành, có được sự tăng trưởng thể chất và trí tuệ tốt nhất, các bà mẹ cần cho trẻ bú trong vòng một giờ đầu sau sinh; cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, không uống thêm nước, không uống sữa bột và không ăn thức ăn bổ sung; trẻ bú mẹ càng nhiều, cơ thể mẹ càng tiết ra nhiều sữa; tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi vì sữa mẹ tiếp tục cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

BS CKII ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

Tin cùng chuyên mục