Xã hội hóa điều trị ma túy bằng Methadone

Xã hội hóa điều trị ma túy bằng Methadone

Sau 5 năm triển khai, chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone đã đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, kinh tế và an ninh trật tự xã hội cho một số địa phương của cả nước. Trong đó, TPHCM có 5 cơ sở điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone với hơn 1.000 bệnh nhân tham gia. 

Xã hội hóa điều trị ma túy bằng Methadone ảnh 1

Lãnh đạo UBND TPHCM thăm một bệnh nhân điều trị HIV/AIDS.

Hiệu quả thiết thực

Theo BS Phạm Thanh Hiếu, cơ sở điều trị bằng Methadone quận 8 - TPHCM, hiện cơ sở đang phát thuốc cai nghiện Methadone cho hơn 300 người, trong đó gần một nửa không thường trú tại địa bàn quận 8. Qua hơn 3 năm triển khai, BS Hiếu cho biết một số trường hợp bệnh nhân ngừng điều trị giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau nhưng về cơ bản đa số đã cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng…

Ghi nhận tại các cơ sở điều trị Methadone ở quận 6, Thủ Đức, Bình Thạnh cho thấy, hầu hết bệnh nhân nằm trong chương trình điều trị đều chấp hành tốt quy định giờ giấc uống thuốc cũng như các tư vấn, khuyến cáo của cán bộ y, bác sĩ. Theo các tư vấn viên cơ sở điều trị Methadone quận 8, tiêu chuẩn cai nghiện từ trên 18 tuổi hoặc nếu dưới 18 tuổi phải có người giám hộ, tự nguyện cai nghiện, có địa chỉ ổn định. Tại cơ sở cai nghiện bằng Methadone quận 4, qua thống kê sơ bộ có hơn 80% trường hợp đăng ký cai nghiện đã cắt cơn nghiện, trở lại cuộc sống đời thường và hòa nhập cộng đồng…
 
Triển khai thí điểm chương trình cai nghiện Methadone từ giữa năm 2008, TPHCM được đánh giá đạt hiệu quả đáng kể về mặt điều trị lẫn xã hội. Theo Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện ma túy cũng như gia đình và cộng đồng. Kết quả điều trị cho thấy, người nghiện đã giảm đáng kể về tần suất và liều sử dụng và sau khoảng 3 tháng thì cắt nghiện hoàn toàn. Đa số bệnh nhân tham gia điều trị được cải thiện tốt về sức khỏe.
 
Không riêng TPHCM, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước đã có 20 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy bằng Methadone tại 62 cơ sở cho gần 15.000 người. Bộ Y tế cũng nhận định chương trình cai nghiện Methadone có kết quả đáng khích lệ. Theo Bộ Y tế, sau tháng đầu tiên điều trị, chỉ còn 57% bệnh nhân sử dụng ma túy, sau tháng thứ hai còn 30% và tháng thứ ba tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy giảm còn 18%. Sau 3 tháng sử dụng Methadone, đã có 40% bệnh nhân tăng từ 2 - 4kg và hơn 20% người tìm được việc làm ổn định.
 
Khuyến khích xã hội hóa

Theo Bộ Y tế, điều trị Methadone là phương pháp hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Song hầu hết các địa phương hiện nay đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cho cơ sở điều trị. Kinh phí này bao gồm chi phí cơ sở vật chất ban đầu, mua thuốc Methadone khi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình kết thúc sau năm 2015 và đặc biệt là chi phí vận hành, tiền lương cho cán bộ nhân viên các cơ sở.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thực trạng cai nghiện tập trung tại các trung tâm còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện cao; nhiều mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Trong khi nguồn lực xã hội chưa được phát huy. Theo Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, hiện có 16 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 12 cơ sở cai nghiện bắt buộc quản lý và điều trị cho hơn 9.000 người nghiện.

Tuy nhiên, thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu Methadone do các tổ chức quốc tế và trung ương cắt giảm kinh phí hỗ trợ. Để đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân được liên tục, UBND TPHCM đã phải chi thêm 3,2 tỷ đồng từ ngân sách (nâng tổng kinh phí cho chương trình Methadone lên 10,2 tỷ đồng) cho việc mua thuốc và chi phí hoạt động của các cơ sở điều trị. Trước thực trạng này, UBND TPHCM đang hướng tới triển khai xã hội hóa chương trình Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị.
 
Theo kế hoạch triển khai xây dựng các cơ sở điều trị cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng và giải pháp mở rộng điều trị Methadone tại TPHCM đến năm 2015, thành phố sẽ mở rộng và xã hội hóa chương trình Methadone ra tất cả các quận huyện; phát triển thêm 10 cơ sở điều trị và 15 điểm phát thuốc vệ tinh. Trong quý 3-2014, TPHCM sẽ triển khai xã hội hóa chương trình Methadone. “Để đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động điều trị, giảm tỷ lệ người nghiện trong cộng đồng, thành phố yêu cầu bệnh nhân có nghĩa vụ phải đóng một phần chi phí điều trị”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết. Tuy nhiên, trước mắt, TPHCM kiến nghị trung ương hỗ trợ đủ thuốc Methadone trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 để đảm bảo thực hiện đề án “Mở rộng xã hội hóa chương trình Methadone giai đoạn 2014 đến 2016”.

“Thay vì nhà nước và các tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm để tạm giam người nghiện và vận hành các trại cai nghiện tập trung thì hãy tạo ra một nhu cầu thực sự được điều trị cho người nghiện. Khi có nhu cầu và có quyền lợi điều trị thì người nghiện và gia đình họ nhất định sẽ tìm đến các trung tâm cai nghiện Methadone. Nhiều gia đình bệnh nhân sẵn sàng trả thêm tiền để được ưu tiên vào điều trị”, ông Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn nhận.

Hiện nay, toàn bộ kinh phí mua Methadone vẫn được trích từ tài trợ quốc tế, nhưng nguồn này đang bị cắt giảm và sẽ kết thúc vào năm 2015, trong khi 65.000 người bệnh vẫn đang chờ được điều trị.

Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nguồn kinh phí cho công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đang giảm dần, chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy chưa đạt chỉ tiêu… Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các ban ngành liên quan sớm tổng hợp, cân đối nhu cầu người nghiện ma túy điều trị Methadone của các địa phương để xem xét, phê duyệt trong tháng 6-2014 về kế hoạch điều trị Methadone năm 2014 và năm 2015 cho hơn 80.000 người nghiện ma túy.

“Bảo đảm nguồn thuốc Methadone cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các địa phương; đẩy mạnh việc thí điểm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ điều trị nghiện bằng các loại thuốc khác, hướng dẫn các địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho các hoạt động phòng chống ma túy, mại dâm, AIDS, đặc biệt là nguồn xã hội hóa…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

TẤN HIỀN

Tin cùng chuyên mục