Mối liên hệ giữa ung thư và bệnh nhiễm

Chỉ mới đây thôi, người ta thấy được mối liên hệ giữa bệnh nhiễm và ung thư. Có khoảng một phần năm các ung thư trên toàn cầu là do các tác nhân gây nhiễm gồm các virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Ở các nước đang phát triển, con số cao gần gấp bốn lần các nước công nghiệp. Đối sách đúng với các bệnh nhiễm sẽ mở rộng cánh cửa làm cho nhẹ gánh ung thư.
Mối liên hệ giữa ung thư và bệnh nhiễm

Chỉ mới đây thôi, người ta thấy được mối liên hệ giữa bệnh nhiễm và ung thư. Có khoảng một phần năm các ung thư trên toàn cầu là do các tác nhân gây nhiễm gồm các virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Ở các nước đang phát triển, con số cao gần gấp bốn lần các nước công nghiệp. Đối sách đúng với các bệnh nhiễm sẽ mở rộng cánh cửa làm cho nhẹ gánh ung thư.

Helicobacter pylori gây ung thư dạ dày

Trong số các tác nhân này phải kể đến vi khuẩn Helicobacter pylori gây ung thư dạ dày, virus HPV gây ung thư cổ tử cung và các ung thư khác; các virus viêm gan siêu vi B (HBV) và C (HCV) gây ung thư tế bào gan. 1 vi khuẩn và 3 virus vừa kể gây đến 15% ung thư của loài người. Các ung thư khác được biết liên hệ bệnh nhiễm gồm một số bệnh bạch cầu và lymphôm; ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ; lưỡi và họng.

Thật choáng váng: vi khuẩn gây ung thư! Marshall và Warren nhận giải Nobel năm 2005 do khám phá vi khuẩn Helicobacter pylori năm 1983. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vi khuẩn Helicobacter pylori là tác nhân gây ung thư loại 1, mạnh chẳng khác nhiều hóa chất gây ung thư trong khói thuốc lá.

Vi khuẩn có dạng xoắn sống trong dạ dày và tá tràng nên có tên là Helicobacter pylori (xoắn khuẩn môn vị). Cơ thể con người phản ứng bằng cách gửi nhiều bạch cầu, lymphô bào T và các vũ khí chống khuẩn khác, nhưng chẳng làm gì được vì khó vô tới lớp nhầy dạ dày. Đáp ứng miễn dịch ngày một tăng thêm. Các chất nuôi dưỡng được tăng cường cho các bạch cầu, xoắn khuẩn tranh thủ tự nuôi mình, cứ thế mà thành viêm loét dạ dày. Không phải vi khuẩn làm ra viêm loét mà do tình trạng viêm phản ứng của lớp lót mặt trong dạ dày gây nên H. pylori thường trú trong dạ dày khoảng phân nửa số người trên trái đất. Thường mẹ lây sang con từ tuổi ấu thơ. Dân ở các nước giàu thì ít bị nhiễm hơn là ở các nước nghèo. Nhiễm suốt đời, gây viêm dạ dày mạn tính rồi viêm teo, rồi gây ung thư. H. pylori liên hệ đến 60% carcinôm dạ dày ở các nước đang phát triển.

HBV và HCV gây ung thư gan

Viêm gan mạn tính do HBV và HCV gây ra 75% - 85% ung thư gan trên toàn cầu. Nhiễm HBV là đại dịch ở Trung Quốc và các vùng khác của châu Á. Phần lớn dân số nhiễm virus từ nhỏ và 8% - 10% dân số trưởng thành bị nhiễm mạn tính. Tỷ lệ nhiễm ở Tây Âu và Bắc Mỹ thì thấp hơn 1%. Viêm mạn HCV thì cao nhất ở Ai Cập (22%), Pakistan (4,8%) và Trung Quốc (3,2%). Những nơi nào có xuất độ cao viêm gan mạn cũng là những nơi có xuất độ ung thư gan cao nhất. Các nguyên nhân khác gồm các tác nhân hại gan như rượu, thuốc lá, độc tố aflatoxin trong nấm mốc của thức ăn. Có nghiên cứu cho thấy những người mang HBV mạn tính có nguy cơ ung thư cao (tăng nguy cơ đến 148 lần). Tỷ lệ nguy cơ này là 20 lần ở những người nhiễm trong các vùng nhiễm virus thấp.

Giải Nobel Y học năm 2008 dành cho người săn virus, được trao cho 3 nhà khoa học châu Âu. Phân nửa giải thưởng dành cho Harald Zur Hausen vì đã khám phá được HPV gây ung thư cổ tử cung. HPV được tìm thấy ở 99,7% ở phụ nữ bị ung thư cổ tử cung. Tác nhân này còn gây ung thư âm hộ, âm đạo và hậu môn ở phụ nữ; ung thư dương vật và hậu môn ở đàn ông. Ở những người đồng tính nam, HPV16 tăng nguy cơ ung thư hậu môn.

Các nhà khoa học cũng mới tìm thấy HPV16 là thủ phạm các ung thư vùng miệng họng. Ở Hoa Kỳ có 14.000 ca ung thư họng mới hàng năm, khoảng 70% dính líu tới HPV16.

Ngừa các bệnh nhiễm, tránh một số ung thư

Vaccine ngừa viêm gan B: Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành tiêm vaccine ngừa viêm gan HBV. Ở các nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao, tiêm vaccine không chỉ giảm nguy cơ nhiễm trùng mà còn làm giảm rõ rệt ung thư gan. Thí dụ chương trình tiêm chủng quốc gia bắt buộc vào năm 1984 ở Đài Loan cho kết quả giảm xuất độ ung thư tế bào gan ở tuổi trẻ. Ở nhiều nơi, có quy định tiêm vaccine ngừa HBV cho tất cả nhân viên y tế và trong labô.

Hiện nay có vaccine tổng hợp, được dùng ở Mỹ từ năm 1986, an toàn và hiệu quả, được khuyến khích cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đến 18 tuổi. Vaccine ngừa viêm gan B được coi là vaccine an toàn và hiệu quả nhất từ trước đến nay. Đã có nhiều nghiên cứu về an toàn của vaccine từ CDC Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y học khác. Vaccine ngừa HBV được CDC Hoa Kỳ khuyến khích đặc biệt dùng cho tất cả trẻ nhỏ và trẻ lớn. Người lớn thuộc nhóm nguy cơ cao cũng cần tiêm vaccine.

Vaccine ngừa HPV: Khám phá của Harald zur Hausen đã đem lại niềm hy vọng mới cho việc phòng bệnh. Đã có hai vaccine Gardasil và Cervarix ngừa nhiễm HPV 16-18. Gardasil được FDA Hoa Kỳ công nhận giữa năm 2007, Cervarix được Liên minh châu Âu công nhận vào tháng 9-2007.

Ai cần chẩn đoán và điều trị H. pylori: Đa số chuyên gia thấy chưa có bằng chứng ủng hộ việc thử và diệt H.pylori đại trà. Theo CDC Hoa Kỳ, nên thử H. pylori với những ai bị loét dạ dày và tá tràng hoặc có tiền căn loét. Cần tìm xoắn khuẩn ở bệnh nhân lymphôm MALT grad thấp sau mổ cắt ung thư dạ dày sớm.

Bệnh nhiễm và ung thư cung cấp kiểu mẫu về cơ chế sinh ung, chẩn đoán, điều trị, tầm soát và phòng tránh. Các vaccine là chìa khóa vàng để phòng ngừa vài loại ung thư. Báo cáo của WHO cho thấy rõ là phòng chống tác hại thuốc, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, có đối sách đúng với các bệnh nhiễm có thể phòng ngừa được 1/3 số người mắc bệnh ung thư trên toàn cầu. Các bệnh nhiễm phải được quan tâm đúng mức trong chiến lược phòng chống ung thư.

GS-BS NGUYỄN CHẤN HÙNG
(Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục