Bị tật khúc xạ - Sẽ mù nếu chữa không đúng cách

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe về mắt - nhất là mắt bị tật khúc xạ - ngày một gia tăng, nhưng Việt Nam lại thiếu trầm trọng đội ngũ cử nhân, kỹ thuật viên chuyên về khúc xạ nhãn khoa. Làm thế nào để phát triển ngành khúc xạ nhãn khoa đáp ứng nhu cầu này và giảm thiểu tình trạng mù mờ do bị tật khúc xạ?
Bị tật khúc xạ - Sẽ mù nếu chữa không đúng cách

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe về mắt - nhất là mắt bị tật khúc xạ - ngày một gia tăng, nhưng Việt Nam lại thiếu trầm trọng đội ngũ cử nhân, kỹ thuật viên chuyên về khúc xạ nhãn khoa. Làm thế nào để phát triển ngành khúc xạ nhãn khoa đáp ứng nhu cầu này và giảm thiểu tình trạng mù mờ do bị tật khúc xạ?

“Lá mùa thu”…

Khi phát hiện ra các hiện tượng liên quan đến khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, thường chỉ một bộ phận người dân có ý thức tìm đến các bệnh viện chuyên khoa về mắt để khám và điều trị, còn đa số lại đến thẳng các tiệm bán kính để đo mắt, mua kính. Theo ước tính, tỷ lệ khúc xạ tại Việt Nam ở mức 15% - 40%, xấp xỉ 14 - 36 triệu người. Đối với trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, tỷ lệ khúc xạ cao hơn, trong đó khu vực thành thị chiếm 25% - 40% và nông thôn 10% - 15%. Ước tính cả nước có 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính mắt để điều chỉnh tật khúc xạ.

Theo các chuyên gia về mắt, việc cung cấp kính đúng độ cho người bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả, hợp lý nhất, góp phần giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Hiệu phó Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nước ta thiếu chương trình đào tạo bài bản, chính quy về đo mắt cho người mắc các tật khúc xạ. Việc thiếu đội ngũ cử nhân, kỹ thuật viên chuyên về khúc xạ đã dẫn đến thực trạng đáng báo động do đo độ mắt bị sai hoặc đeo kính áp tròng bừa bãi, thiếu sự giám sát của giới chuyên môn gây biến chứng khó lường. Mặc dù một số bác sĩ, kỹ thuật viên ở cơ sở y tế đã được đào tạo các khóa cơ bản để cung cấp dịch vụ chăm sóc tật khúc xạ nhưng họ chỉ thực hiện giải pháp trước mắt và mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của xã hội.

Thạc sĩ Trần Hoài Long khám và đo mắt cho bệnh nhân bị tật khúc xạ.

Cũng theo PGS-TS Phạm Đăng Diệu, trong khi nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung lớn như vậy nhưng Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 cử nhân khúc xạ nhãn khoa, trong đó một người trình độ thạc sĩ. Nếu tính theo tỷ lệ nhân sự khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với 1 cử nhân chăm sóc cho 50.000 dân thì đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm gần 1.800 cử nhân khúc xạ nhãn khoa. Một thách thức quá lớn đối với mục tiêu đào tạo của các trường đại học y và kỳ vọng của ngành khúc xạ nhãn khoa trong tương lai.

Ngành “hot” trong tương lai

Trong năm học 2014 - 2015, lần đầu tiên, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM chiêu sinh khóa đào tạo cử nhân khúc xạ nhãn khoa với 20 sinh viên. Đây là chương trình hợp tác đào tạo tiên tiến theo chuẩn đào tạo khúc xạ nhãn khoa quốc tế và dựa theo tiêu chuẩn của Hội đồng khúc xạ nhãn khoa quốc tế do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Viện Thị Brien Holden, Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện. Tham gia khóa đào tạo cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên này, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành và chủ yếu do chuyên gia nước ngoài giảng dạy bằng tiếng Anh.

Lâu nay, các bác sĩ mắt là nguồn lực chính giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh mù lòa do đục tinh thể, các bệnh lý về mắt, tuy nhiên đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của các phòng khám mắt không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ ngày một gia tăng. Đó là chưa kể họ không được đào tạo huấn luyện chuyên sâu về khúc xạ nên chưa thể giải quyết căn bản các thách thức dẫn đến mù lòa.

Thạc sĩ Trần Hoài Long (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cảnh báo: “Mờ mắt do tật khúc xạ nếu chữa trị không đúng có thể dẫn đến mù lòa. Còn phát hiện can thiệp sớm và chỉ định đeo kính đúng thì khả năng chữa khỏi rất cao. Thế nhưng hiện tại, trình độ, kiến thức của đội ngũ kỹ thuật viên đo khám mắt còn hạn hẹp nên không đáp ứng nhu cầu chăm sóc ban đầu về tật khúc xạ ”.

Việc phát triển đội ngũ cử nhân khúc xạ nhãn khoa sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng quá tải bệnh nhân cần chăm sóc sức khỏe về mắt, giảm thiểu tối đa các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được, giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu của “Sáng kiến thị giác 2020” mà Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra. Đặc biệt đội ngũ tiên phong này sẽ cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm thị lực ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Không dừng ở đó, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hy vọng những hạt nhân đầu tiên của ngành khúc xạ nhãn khoa này sẽ được nhân rộng hơn và nhà trường sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành này.

Vai trò của bác sĩ nhãn khoa trong lĩnh vực chăm sóc ban đầu về mắt:

- Khám chẩn đoán các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn, lão thị và kê toa điều chỉnh hoặc lắp kính tiếp xúc.

- Tiến hành các điều trị, huấn luyện thị giác cho các trường hợp rối loạn thị giác hai mắt và phục hồi chức năng cho bệnh nhân khiếm thị.

- Khám chẩn đoán các bệnh lý về mắt như đục tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc tiểu đường… để chuyển tuyến cho các bác sĩ chuyên khoa mắt.

BỐI DIỆP

Tin cùng chuyên mục