Ì ạch các dự án bệnh viện trọng điểm

Mặc dù đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo triển khai các thủ tục để sớm khởi công các dự án bệnh viện trọng điểm nhằm giảm tải bệnh nhân nhưng xem ra vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện TPHCM có tới cả chục dự án y tế trọng điểm và hầu như dự án nào cũng ì à ì ạch!
Ì ạch các dự án bệnh viện trọng điểm

Mặc dù đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo triển khai các thủ tục để sớm khởi công các dự án bệnh viện trọng điểm nhằm giảm tải bệnh nhân nhưng xem ra vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện TPHCM có tới cả chục dự án y tế trọng điểm và hầu như dự án nào cũng ì à ì ạch!

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Mai Hải

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Mai Hải

Chiếm dụng trái phép đất dự án

Với quy mô diện tích đất 5,56 ha, dự án xây mới Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) 1.000 giường tại phường Tân Phú, quận 9 TPHCM được trông chờ như là giải pháp tối ưu cho việc giảm quá tải tại Bệnh viện Ung bướu hiện nay. Tuy thủ tục tiến hành đầu tư dự án đã được thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Lúc đầu, dự án giao Bệnh viện Ung bướu làm chủ đầu tư, sau đó được chuyển giao về Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TPHCM, nhưng “điệp khúc” không thể thực hiện do đền bù giải tỏa vẫn đeo đẳng.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, khu đất 5,56 ha dành cho dự án Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) nằm trên đường số 400 thuộc ấp Cây Dầu có một phần nhỏ diện tích của 38 hộ dân, còn lại là đất công được UBND TPHCM giao cho Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp và Tổng Công ty Lâm sản Sài Gòn sử dụng từ những năm 1990. Tuy nhiên, sau đó trong quá trình hợp tác đào tạo và “làm ăn”, Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp đã cho Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại xuất nhập khẩu Tứ Cường (gọi tắt Công ty Tứ Cường) và Công ty cổ phần Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) được sử dụng một phần diện tích đất. Trong đó, Công ty Tứ Cường sử dụng gần 14.000m², Công ty SADACO sử dụng gần 13.000m².

Việc Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp có cho thuê lại đất công là sai phạm hay không còn hạ hồi phân giải, nhưng sau khi UBND TP phê duyệt dự án Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2), trường này đã bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư 3.890m² đất, còn phần diện tích mà Công ty Tứ Cường và Công ty SADACO sử dụng vẫn chưa chịu bàn giao! Trong khi đó, Tổng Công ty Lâm sản Sài Gòn cũng “hợp tác” và nhượng quyền thuê mặt bằng đất công cho Công ty TNHH Thương mại sản xuất Tân Hoàng Mỹ (Công ty Tân Hoàng Mỹ).

Trong 2 năm 1996 - 1997, Công ty Tân Hoàng Mỹ đã ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Long Thạnh Mỹ, nhưng từ năm 1998 đến nay không hề ký hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước nữa cũng không nộp một đồng xu tiền thuê nào mà vẫn vô tư chiếm dụng! Đến nay Công ty Tân Hoàng Mỹ chỉ mới giao một phần khoảng gần 1.000m², còn lại 14.822m² vẫn chưa chịu giao cho chủ đầu tư…

Sáng 23-10, ông Nguyễn Công Dẫn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng UBND quận 9, cho biết việc giải tỏa đền bù nhằm thực hiện việc xây dựng dự án Bệnh viện Ung bướu mới rất gian nan. Hiện 38 hộ dân đã giải tỏa và bàn giao mặt bằng, nhưng các doanh nghiệp chiếm dụng đất trái phép nêu trên đều có khiếu nại và thẩm quyền giải quyết thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND TP. “Nếu các cấp giải quyết khiếu nại rốt ráo hoặc có quyết định cưỡng chế thì địa phương tiến hành giải tỏa dứt điểm” - ông Nguyễn Công Dẫn nói.

Bệnh viện Nhi đồng TP mới được khởi công san lấp mặt bằng.

Bệnh viện Nhi đồng TP mới được khởi công san lấp mặt bằng.

Đụng đâu cũng vướng giải tỏa

Báo cáo tiến độ thực hiện các dự án công trình trọng điểm và các dự án chuyển tiếp của ngành y tế thành phố năm 2013 với HĐND TPHCM mới đây, ông Huỳnh Văn Biết, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thành phố hiện có 9 dự án y tế trọng điểm. Trong đó hầu hết chưa khởi công được dự án nào.

“Khởi sắc” nhất là dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cũng mới san lấp mặt bằng, đang lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và vẫn còn vướng 5 hộ dân chưa chịu nhận tiền di dời giải tỏa. Trong khi, đây là dự án được cả Chính phủ và người dân mong đợi để giảm tải cho 2 bệnh viện nhi hiện nay, đồng thời có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhi từ các tỉnh chuyển về. Dự kiến phải đến tháng 4-2014 mới khởi công được công trình, mặc dù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc về giảm tải bệnh viện với UBND TPHCM hồi tháng 8 vừa qua là phải hoàn thành dự án trong năm 2015 để chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam!

Bên cạnh đó, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa làm chủ đầu tư khởi động từ 2009 đến nay cũng vướng đền bù. Mặc dù chủ đầu tư đã chọn được phương án thiết kế, đã ký hợp đồng BT với UBND TPHCM nhưng vẫn đang trình mức thỏa thuận giá hỗ trợ đền bù với người dân, chưa thống nhất tiêu chuẩn tái định cư…

Theo ông Huỳnh Văn Biết, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đang phối hợp chuẩn bị hồ sơ các bước kế tiếp trong bồi thường giải phóng mặt bằng như: chuẩn bị phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ; chuẩn bị ban hành quyết định thu hồi đất; chuẩn bị ban hành quyết định bồi thường hỗ trợ và tái định cư… Bên cạnh đó, các dự án bệnh viện cửa ngõ như dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (giai đoạn 1), dự án cải tạo mở rộng Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Hóc Môn (giai đoạn 1), dự án Bệnh viện cửa ngõ Củ Chi… cũng chưa tháo gỡ được rốt ráo mặt bằng để khởi công xây dựng.

Tại buổi họp với Sở Y tế và các sở ngành liên quan mới đây về tiến độ các dự án bệnh viện, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐNDTP, cho rằng việc tháo gỡ vướng mắc trong đền bù giải tỏa có ý nghĩa rất lớn để triển khai nhanh các dự án y tế. Ông Đông yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình (Sở Y tế TPHCM) phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết.

Còn đại diện Sở Tài chính quan ngại Chính phủ đã ghi vốn nhưng nếu không thực hiện đúng tiến độ thì cũng rất khó giải ngân. Đó là chưa kể, với việc “ì ạch” sẽ có thể lại phải điều chỉnh vốn theo hướng tăng lên, gây lãng phí. Và đương nhiên chưa thể kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong tình trạng quá tải hiện nay…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục