Chờ bệnh mới mua bảo hiểm y tế - Phải chấm dứt ngay

Bội chi
Chờ bệnh mới mua bảo hiểm y tế - Phải chấm dứt ngay

Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế ở TPHCM đã đến gần. Nếu siết chặt việc quản lý quỹ thì chất lượng khám chữa bệnh (KCB) không đảm bảo. Vậy giải pháp nào khuyến khích người dân tham gia BHYT tự nguyện và giúp quỹ cân đối thu chi? PV Báo SGGP đã nêu vấn đề với Giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang những vấn đề người dân đang quan tâm.

Bội chi

- PV: Như đã cảnh báo, nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) ở TP rất cao vì kết dư của quỹ trong quý 1-2012 rất thấp, trong khi lẽ ra phải rất cao (so với các quý còn lại trong năm). Ông lý giải vấn đề này thế nào?

Giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang

Giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang

Ông Cao Văn Sang: Tôi đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ bội chi Quỹ BHYT của TPHCM và khả năng bội chi đang đến. Sau 2 năm có kết dư (2010 và 2011) vì mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, thì năm nay từ quý 2 trở đi Quỹ BHYT của TPHCM sẽ bội chi vì nhiều thuốc đắt tiền mới được đưa vào danh mục thanh toán và mức viện phí tăng cao. So với các tỉnh, các bệnh viện (BV) tại TPHCM tiếp thu các tiến bộ y tế tốt hơn, từ đó việc sử dụng các trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị cũng tốt hơn. Các BV của TPHCM tiếp cận danh mục thuốc mới được Bộ Y tế bổ sung (rất nhiều thuốc đắt tiền) nhanh hơn.

Những yếu tố đó tốt cho người bệnh nhưng cũng tốn kém hơn cho Quỹ BHYT. Do mở rộng danh mục thuốc điều trị ung thư, chỉ trong quý 1-2012 đã tốn thêm 80 tỷ đồng; tổng chi phí thuốc trong quý 1-2012 lên đến 855 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ. Sắp tới đây nếu mức viện phí mới được áp dụng thì chắc chắn Quỹ BHYT của TPHCM sẽ thiếu hụt lớn.

Ngoài ra, nguy cơ bội chi còn do chính sách BHYT chưa hợp lý. Năm 2011 tại TPHCM có 680.000 người tham gia BHYT tự nguyện, đã sử dụng 1.034 tỷ đồng (ngoài số tiền đóng góp của họ). Người dân tại TPHCM nắm bắt thông tin rất nhanh, nếu có bệnh, cần chữa trị, họ sẽ mua thẻ BHYT ngay. Quý 1-2012 có gần 95% người trị bệnh tại BV Ung bướu có thẻ BHYT và 53% là diện tự nguyện! Nếu tiếp tục thực hiện cơ chế “chờ khi có bệnh mới mua BHYT” và mệnh giá quá rẻ (hơn 500.000 đồng/năm) trong khi tiền thuốc để điều trị bệnh ung thư gần 60 triệu đồng/tháng thì đương nhiên phải thiếu Quỹ BHYT.

- Bội chi đang xảy ra ở các BV, xuất phát từ việc chỉ định dịch vụ, kỹ thuật, đơn thuốc… chưa hợp lý, thậm chí tràn lan. BHXH TP làm cách nào để thẩm định, kiểm tra và ngăn chặn tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT?

BHXH TP đã sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để lọc ra các chi phí trùng lắp; thống kê giá thuốc giữa các BV để đề nghị mức giá hợp lý; loại bỏ, không thanh toán những loại thuốc, vật tư ngoài danh mục… Ngoài ra, đã có nhiều văn bản nhắc nhở, đề nghị các BV sử dụng hợp lý và tiết kiệm Quỹ BHYT.

Cân nhắc khi tăng viện phí vì người có lẫn không có thẻ BHYT đều nặng gánh thêm.

Cân nhắc khi tăng viện phí vì người có lẫn không có thẻ BHYT đều nặng gánh thêm.

Cần giải quyết toàn diện

- Dư luận cho rằng, việc “siết chặt” quản lý Quỹ BHYT đang ảnh hưởng đến quyền lợi, chất lượng KCB của người sử dụng thẻ BHYT?

Cần phải hiểu “sử dụng hiệu quả” khác với “không chữa trị” hoặc “chữa cho có” mà không quan tâm đến kết quả điều trị. Sử dụng hiệu quả là cân nhắc để tránh lãng phí, không chi cho những nội dung chưa thật cần thiết. Nếu bệnh cần phải chữa thì có đắt mấy cũng phải chi. Gần đây có dư luận một BV khống chế mỗi đơn thuốc ngoại trú không quá 400.000 đồng, cơ quan BHXH đã đề nghị chấn chỉnh.

- Nếu không tăng viện phí thì BV kêu ca, nhưng tăng thì nguy cơ vỡ quỹ cao và người nghèo chưa tham gia BHYT sẽ chịu thiệt đầu tiên, ông nghĩ sao?

Xu thế là phải tính đúng, tính đủ nhưng phải từng bước để tránh hụt hẫng, gây khó cho người dân và Quỹ BHYT (cũng do dân đóng góp). Sau khi tăng viện phí, quỹ BHYT thiếu thì phải tăng mức đóng (Luật BHYT cho phép mức đóng tối đa là 6%). Đó cũng là động lực để người dân tự giác tham gia BHYT. Nếu thấy chưa tham gia BHYT chịu thiệt thì phải tự giác tham gia. Luật BHYT đã có lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014, nếu không tự giác tham gia thì biết khi nào mới thực hiện được lộ trình đó!

- Được giao quản lý Quỹ BHYT của TPHCM, ông thấy cần đề xuất giải pháp cấp bách nào nhằm cứu nguy cho Quỹ BHYT và khuyến khích người dân tham gia BHYT toàn dân?

Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết nếu muốn Quỹ BHYT lành mạnh. Cụ thể là phải thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân. Cần chấm dứt phương thức tham gia BHYT tự nguyện như hiện nay. Nếu chỉ khi nào bệnh, có nhu cầu chữa bệnh mới tham gia thì không thể nào cân đối được quỹ. Trước đây có quy định phải cùng mua cho cả hộ và tối thiểu 10% số hộ trong phường cùng mua mới đủ điều kiện tham gia là một ví dụ cho giải pháp này. Ngoài ra, đối với những bệnh cần chữa với chi phí lớn thì phải có điều kiện tham gia đủ lâu mới được hưởng đầy đủ mức phí tối đa. Nếu cho hưởng bình quân như hiện nay thì bất công đối với người đóng góp lâu và khuyến khích sự tính toán có lợi cho cá nhân (chỉ tham gia khi có bệnh).

Khánh Bình


Tăng cường giám sát thực hiện viện phí mới

(SGGP).- Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trước việc nhiều tỉnh thành và bệnh viện tuyến trung ương sẽ thực hiện áp dụng khung giá viện phí mới trong tháng 8-2012 tới, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra việc thực hiện khung giá viện phí, trong đó lập đường dây nóng tại bệnh viện, xây dựng nhiều kênh thu thập thông tin nhằm ngăn chặn tiêu cực liên quan tới viện phí. Trong khi đó, Bộ Y tế sẽ đưa ra các quy định chi tiết để kiểm soát viện phí sát với thực tế, nhằm tránh việc lợi dụng tăng viện phí để tăng giá dịch vụ y tế tràn lan, chặt chém người bệnh.

Liên quan tới việc tỉnh Khánh Hòa ban hành khung giá viện phí mới ở mức cao nhất cả nước, BHXH Việt Nam mới đây có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị xây dựng lại mức giá viện phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và khả năng cân đối của Quỹ BHYT. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, mức giá viện phí mới của địa phương này vẫn sẽ được áp dụng từ ngày 1-8 tới, còn điều chỉnh lại mức giá dịch vụ y tế sẽ được đưa ra kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa vào cuối năm nay. Đáng chú ý, khung giá viện phí mới của Khánh Hòa tăng trung bình bằng 90,56% khung giá tối đa cho phép theo Thông tư liên tịch số 04/2012 của liên Bộ Y tế-Tài chính. Trong số 1.543 dịch vụ y tế ở Khánh Hòa thì giá dịch vụ cao nhất là 19,638 triệu đồng cho chụp PET/CT mô phỏng xạ trị, bao gồm cả thuốc cản quang, dịch vụ có giá thấp nhất là 3.000 đồng (định tính protein, định tính đường). Còn giá giường nằm thu của bệnh nhân là từ 20.000 – 150.000 đồng/ngày.

Trước đó, một số tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Sóc Trăng, Nam Định, Thanh Hóa… cũng đề xuất khung viện phí quá cao so với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhưng sau khi có sự can thiệp của cơ quan BHXH khung giá viện phí đã được điều chỉnh, tính toán lại phù hợp hơn.

Ng.Quốc

Tin cùng chuyên mục