Quảng Nam: Nhiều trẻ tử vong ở tuyến y tế cơ sở

Những cái chết oan uổng do năng lực điều trị quá kém ở các trung tâm y tế hoặc những bệnh viện tuyến huyện đang là nỗi bức xúc của người dân Quảng Nam. Trong đó, số lượng trẻ em bị tử vong tại những cơ sở y tế này đang ở mức báo động đỏ.

Dù đã 3 năm, nhưng vụ việc xảy ra tại xã Trà Linh (vùng núi cao huyện Nam Trà My - Quảng Nam), vẫn còn ám ảnh nhiều người. Bởi, chỉ trong 1 ngày, 10 trẻ em độ tuổi từ 1 - 3 ở đây đã lần lượt từ giã cõi đời. Nguyên nhân được xác định là do viêm phế quản cấp – một loại bệnh không phải nghiêm trọng. Thế nhưng, sự yếu kém về chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My đã để lại hậu quả thật nghiêm trọng. 

Sau vụ việc 10 trẻ em tại đây chết, nhiều kênh thông tin kết luận: Hoạt động y tế cơ sở tại các xã của Nam Trà My hầu như bị tê liệt. Điều đáng nói, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My đã phản ứng quá chậm, thậm chí tắc trách trong việc cứu chữa. Thế nhưng, bài học vẫn không được rút ra, 1 năm sau, cũng tại xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My) 4 đứa trẻ cũng chết do bệnh viêm phế quản cấp. Tiếp đó, ngày 18-1-2011, ở làng Tắk Póc, xã Trà Cang, cháu Hồ Văn Đông (2 tháng tuổi) và đứa bé mới sinh (con của chị Hồ Thị Thiên tại làng Ngọc Rỗ) cũng chết. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết lạnh, viêm phổi và khả năng ứng cứu ở Trung tâm y tế huyện quá chậm.

Không chỉ riêng Nam Trà My, theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ từ Sở Y tế Quảng Nam, năm 2010, có 405 trẻ sơ sinh dưới 6 tuổi bị tử vong trên tổng 72.547 lượt trẻ đến khám, điều trị tại 18 trung tâm y tế, bệnh viện thuộc 18 huyện, thị của tỉnh. Nhiều nhất là Nam Giang (132 trẻ) Đông Giang, Phước Sơn (117 trẻ)…

BS Nguyễn Đức Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, cho rằng: Mặc dù mang tên bệnh viện đa khoa, có nhiệm vụ khám và điều trị cho người dân các huyện Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn với số lượng bình quân hơn 1.000 lượt người/ngày… nhưng thiết bị y tế được đầu tư trong thời gian qua hết sức nhỏ giọt. Trong năm 2010, bệnh viện chỉ được đầu tư 6 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để mua thiết bị y tế, còn những năm trước đó hầu như không có. Còn đội ngũ y, bác sĩ thiếu trầm trọng. Chính vì vậy, hầu hết những ca bệnh phức tạp sau khi nhập viện đều được chuyển ra các bệnh viện ở Đà Nẵng, đặc biệt là bệnh nhi. Chính vì vậy, con số chuyển viện ở đây mỗi năm một tăng, nếu như năm 2009 có 2.975 ca thì năm 2010 con số tăng lên 3.985 ca, trong đó riêng bệnh nhi chuyển viện là 188 ca.

Nói đến vấn đề nâng cao năng lực khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện, ông Nguyễn Như Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho rằng, phải cần thời gian và kinh phí. Nguồn ngân sách tỉnh rót về mỗi năm cũng chỉ đủ chi trả tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ và một phần xây dựng cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, dự án tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP) triển khai với kinh phí khoảng 11 triệu USD sẽ góp phần giải quyết khó khăn về thiết bị y tế hiện nay. Có như vậy mới nâng cao được năng lực khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở được”- ông Chính cho biết.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục