Các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 chủ yếu bùng phát từ trường học

(SGGP).- Ngày 3-3, Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch cúm A/H1N1 hiện vẫn diễn ra phức tạp, với số người mắc tiếp tục tăng tại 19 tỉnh/thành ghi nhận có bệnh nhân mắc. Đáng chú ý, qua giám sát và điều tra dịch tễ cho thấy, những chùm ca bệnh cúm A/H1H1 tại tỉnh Điện Biên, Bến Tre và Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua đều được ghi nhận ở trường học.

Tại Điện Biên, chùm ca bệnh ở Trường Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé xảy ra trong hơn 1 tuần, với 91 trường hợp mắc cúm trong tổng số 240 học sinh, 40 giáo viên và nhân viên của trường. Ở Bến Tre chùm ca bệnh bắt đầu ở một trường tiểu học của xã Giao Thạnh, huyện Thạch Phú sau đó lan ra trên địa bàn xã Giao Thạnh với 193 trường hợp mắc cúm A/H1N1. Trong khi đó ở Thừa Thiên - Huế, sau khi một bệnh nhân nữ, 15 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông tử vong với chẩn đoán viêm phổi cấp tính nghi do virus cúm A/H5N1, song Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xác định nguyên nhân tử vong là do virus cúm A/H1N1.

Đáng chú ý, trong 2 tháng qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tiếp nhận 183 bệnh nhân chủ yếu tại Hà Nội có triệu chứng cúm đến khám, trong đó 117 ca đã được xét nghiệm PCR (sinh học phân tử) cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Đặc biệt có 19 ca là phụ nữ có thai. Bệnh viện cũng đã xác định có 8 chùm ca bệnh là người thân ở cùng nhà hoặc chăm sóc người nhà bị cúm tại bệnh viện.

TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, mặc dù cúm A/H1N1 trong giai đoạn này chưa ghi nhận biến đổi theo chiều hướng nặng hơn nhưng người dân không nên chủ quan bởi các bệnh cúm thông thường cũng có thể đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người đang có bệnh mãn tính, người bị suy giảm sức đề kháng, người già, trẻ em và phụ nữ có thai.

Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 TPHCM họp với các huyện, quận có chăn nuôi triển khai các vấn đề liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh. Ban chỉ đạo nhấn mạnh đến vai trò giám sát toàn diện của các địa phương về vấn đề dịch bệnh. Những hộ nuôi gia súc, gia cầm không khai báo, nguồn gốc không rõ ràng, không chịu tiêm phòng… nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ không được TP hỗ trợ như những đợt trước đây. Theo Chi cục Thú y TPHCM, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở 5 tỉnh, dịch bệnh lỡ mồm long móng xuất hiện 22 tỉnh, dịch heo tai xanh cũng có chiều hướng xuất hiện trở lại là nguy cơ rất lớn đối với đàn gia súc và gia cầm TP.

Trước đó, ngày 1-3, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân ký Chỉ thị 07 về việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh tái phát trên gia súc, gia cầm ở TP.

K.Nguyễn - C.Phiên

Tin cùng chuyên mục