Siêu vi khuẩn kháng thuốc có thật đáng lo?

Siêu vi khuẩn kháng thuốc có thật đáng lo?

Mới đây, các chuyên gia y tế thế giới đã cảnh báo về một nhóm siêu vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm thuốc kháng sinh mạnh nhất chuyên dùng cho các ca cấp cứu và nhiễm trùng nặng do các vi khuẩn đa kháng thuốc khác gây ra, là Carbapenem.

Theo BBC, nghiên cứu này được các chuyên gia Đại học Cardiff (thuộc xứ Wales), Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh và một số trường đại học quốc tế tiến hành. Vi khuẩn được đặt tên New Delhi Maetallo beta (NDM-1), vì liên quan đến nhóm bệnh nhân bị phát hiện trước đó đã đến Ấn Độ, Pakistan chữa bệnh và quay về Anh thì có dấu hiệu nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, các nhà khoa học mới chỉ định được khoảng 50 ca nhiễm siêu vi khuẩn, nhưng các nhà khoa học Anh lo ngại chúng sẽ lây lan ra toàn cầu.

Vi khuẩn kháng thuốc gây nhiều bệnh đường ruột, cần giữ vệ sinh thật sạch tránh lây lan

Vi khuẩn kháng thuốc gây nhiều bệnh đường ruột, cần giữ vệ sinh thật sạch tránh lây lan

Loại siêu vi khuẩn NDM-1 vừa được phát hiện là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzym) kháng lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh. Thật ra, từ năm ngoái tiến sĩ Timothy Walsh đã phát hiện men NDM-1 ở vi khuẩn viêm phổi Klebsiella và E.coli trong cơ thể một bệnh nhân Thụy Điển tại Ấn Độ. Có hai loại kháng sinh Tigecycle và colistin tỏ ra công hiệu những ca nhiễm E.coli thông thường, nhưng nếu E.coli có chứa men NDM-1 thì không diệt được, nguy cơ tử vong rất cao.

Các chuyên gia đang lo ngại, có khả năng men NDM-1 này có thể nhảy sang các chủng khác đã kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh. Như vậy có thể gây ra các bệnh nhiễm khuẩn nặng, có thể lây lan nhanh từ người sang người và khả năng chữa được rất thấp. Các ca nhiễm trùng NDM-1 cũng được ghi nhận ở một số nước như Mỹ, Canada, Australia, Phần Lan… vì thế đã có những cảnh báo về vấn đề này.

Các chuyên gia thế giới cho rằng, cách duy nhất để ngăn chặn sự lan truyền của siêu vi khuẩn này là cần nhanh chóng xác định và cách ly bất cứ trường hợp nào được xác định nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Những thông tin trên đã khiến rất nhiều người lo ngại. Do đặc tính chung của vi khuẩn là có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ NDM-1 lan rộng và vào Việt Nam là rất lớn.

Giới chức y tế Ấn Độ cũng đã phản ứng lại các nhà khoa học Anh, cho rằng thật không công bằng khi tuyên bố loại siêu vi khuẩn kháng thuốc có khả năng lây lan toàn cầu này có xuất xứ từ Ấn Độ. Theo họ, men tạo ra tính kháng thuốc cực mạnh của siêu vi khuẩn có mặt trong môi trường, trong đường ruột người và động vật, vì thế họ phản đối gắn tên cho men nguy hiểm này là New Delhi Metallo beta lactamase, hay NDM.

Tại Việt Nam, một số phương tiện thông tin đã đưa ý kiến của các các chuyên gia trong nước cho biết đã có một vài loại siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đã có mặt. Một chuyên gia nói, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các loại vi khuẩn thuốc xem có phải là NDM-1 hay không, nhưng chúng ta cũng phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gene tương tự, chẳng hạn IMP, VIM… đều kháng thuốc họ carbapenem.

Tại các bệnh viện, vi khuẩn kháng thuốc họ Carbapenem chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 1% - 4% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Với những ca nhiễm khuẩn này, các bác sĩ chữa trị bằng cách áp dụng nhiều biện pháp, chọn nhiều loại kháng sinh còn nhạy cảm, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc. Tuy nhiên, chi phí điều trị như thế rất cao mà hiệu quả điều trị không đảm bảo.

Các chuyên gia cho rằng, theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới đưa ra sử dụng một thời gian sẽ xuất hiện chủng vi khuẩn kháng loại kháng sinh đó. Hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo toa bác sĩ, dùng không đúng liều là những nguyên nhân khiến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc càng gia tăng, bản thân người nhiễm bệnh sẽ bị nguy cơ cao hơn. Vì vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ và vệ sinh là đều rất cần thiết để tự bảo vệ mình.

ANH THÁI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục