Người tiêu dùng tái sử dụng thịt heo

An toàn với trên 33.000 con heo nuôi tập trung
Người tiêu dùng tái sử dụng thịt heo

Hôm qua 21-8, Báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về phòng chống bệnh heo tai xanh và thực phẩm an toàn, với sự tham gia của lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM, Chi cục Thú y TP, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) và Công ty TNHH một thành viên VISSAN.

Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

An toàn với trên 33.000 con heo nuôi tập trung

Trước “cơn bão” heo tai xanh đang hoành hành các tỉnh thành phía Nam, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, cho biết, dịch heo tai xanh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ nhập cư, không đủ điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Còn với đàn heo nuôi công nghiệp tập trung trên 33.000 con của TPHCM, có thể tạm yên tâm.

Trước thắc mắc của bạn đọc Hưng Văn (Tân Bình) về việc “nhiều đàn heo ở quận 12 đã bị tiêu hủy, vì sao TPHCM chưa công bố dịch tai xanh”, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở NN-PTNT, cho biết đã chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, chủ động lấy mẫu kiểm tra và phát hiện virus tai xanh chủng độc lực cao tại một số địa phương và kịp thời xử lý không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Nhờ vậy, TP tiêu hủy ngay đàn heo của 22 hộ chăn nuôi tại 3 phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, Thới An (quận 12), không để bộc phát bệnh và lây lan thành dịch. Do đó, TP không công bố dịch tai xanh.

* Chính phủ hỗ trợ thuốc chống dịch bệnh tai xanh. Trước tình hình dịch bệnh tai xanh đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ NN-PTNT xuất cấp (không thu tiền) 25.000 lít thuốc sát trùng Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ 3 tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An phòng, chống dịch bệnh tai xanh trên đàn heo.

N.Hà

TP đã hỗ trợ 11 hộ chăn nuôi có đàn gia súc bị xử lý trên (đợt 1) theo mức 25.000 đồng/kg heo hơi và sẽ triển khai hỗ trợ đợt 2 trong tuần sau. Do đó nếu thấy heo có dấu hiệu bệnh, người chăn nuôi nên báo ngay chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời và xác định khối lượng thực tế để hỗ trợ.

Ngoài việc tăng cường kiểm soát nguồn heo nuôi tại TPHCM, Chi cục Thú y còn phối hợp với các tỉnh lân cận nhằm kiểm soát, tiếp nhận nguồn heo an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, dịch heo tai xanh không chỉ gây tổn thất đến đàn heo thịt mà còn cả đàn heo nái và heo nọc. Do đó, để duy trì lượng heo thịt cung cấp cho thị trường không giảm sút, nhất là sắp đến dịp Tết Nguyên đán, việc nuôi dưỡng đàn heo nái, heo nọc giúp người chăn nuôi gầy dựng lại đàn, rất quan trọng.

Theo ông Ngô Thăng Long, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiên cứu phát triển SAGRI, tổng công ty hiện có 3 trại chăn nuôi heo với hơn 35.000 con, trong đó, đàn heo nái sinh sản là 5.000 con, có 400 con giống thuần GGP với nhiệm vụ sản xuất ra heo hậu bị giống GP và PS và con giống nuôi thịt, đây là “đàn giống cao sản tăng trọng nhanh”. Những tháng qua, dịch bệnh heo tai xanh lây lan mạnh, nhưng các xí nghiệp chăn nuôi heo của tổng công ty vẫn đảm bảo an toàn. SAGRI chuẩn bị một số lượng heo hậu bị giống GP, PS và heo con thương phẩm với số lượng 30.000 con, bao gồm 2.500 heo hậu bị giống GP, PS và 27.500 heo con nuôi thịt với cam kết về mặt chất lượng. 

Bình ổn giá heo đến sau tết

Nông dân ở tỉnh Bình Thuận phản ánh, nhiều đàn heo khỏe nhưng hiện không bán được, đa phần là heo tới giai đoạn xuất chuồng, cả trăm kg/con, bị thương lái ép giá chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, VISSAN có thể hỗ trợ nông dân không?

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc VISSAN, cho biết, nguyên liệu cung cấp cho VISSAN phần lớn từ các trại chăn nuôi vừa và lớn để đảm bảo chất lượng đồng bộ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các hộ chăn nuôi ở Bình Thuận cứ liên hệ với đơn vị kinh doanh gần nhất của VISSAN để được hỗ trợ thu mua.

Công ty đã nâng lượng thu mua giết mổ từ 2.000 con lên 2.800 con/ngày và luôn hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua heo đạt tiêu chuẩn thông qua kiểm dịch và xác nhận của cơ quan thú y tại chỗ. Hiện nay, mỗi ngày công ty đưa ra thị trường 80 - 100 tấn thịt heo, cũng như trữ đông đến 2.000 tấn heo mãnh trong kho.

Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, VISSAN đã tham gia chương trình bình ổn giá từ 21-6-2010 đến hết ngày 31-3-2011 với các mặt hàng thịt tươi sống và mặt hàng chế biến. Nhờ thông tin của các cơ quan truyền thông, người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh trên đàn gia súc, biết cách sử dụng thịt heo qua xử lý nhiệt nên an tâm dùng trở lại thịt heo. Nhờ đó lượng tiêu thụ heo hàng ngày của VISSAN đã khôi phục và tăng cao hơn 20%.

Công Phiên - Tường Lâm

Sẽ có vaccine trị bệnh heo tai xanh

Tiến sĩ Tô Long Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương (Bộ NN-PTNT) vừa khẳng định, đã nhập về hơn 200.000 liều vaccine để khảo nghiệm và sẽ sớm có vaccine để trị dịch heo tai xanh.

TS Tô Long Thành cho biết, dịch heo tai xanh xuất hiện đầu tiên trên diện rộng ở nước ta là vào tháng 3-2007 ở Bắc bộ. Tới tháng 3-2008, dịch lại bùng lên ở miền Trung, hàng vạn con heo bị chết. Năm 2009, mặc dù dịch có dịu đi một chút nhưng bắt đầu từ đầu năm 2010 cho tới nay, dịch lại bùng lên và lây lan nhanh ở cả miền Nam và miền Bắc.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do không kiểm soát được việc vận chuyển heo dịch giữa các địa phương. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là chưa có vaccine hữu hiệu.

Hơn 200.000 liều vaccine tai xanh nhược độc (vaccine sống) nhập về từ Trung Quốc và vẫn đang tiến hành kiểm nghiệm, khảo nghiệm. Cách đây một tháng và trong năm 2009, Trung Quốc đã triển khai tiêm vaccine này cho 26 tỉnh so với 6 tỉnh tiêm khảo nghiệm vào năm 2008. Trước đó, Trung Quốc đã từng sản xuất ra loại vaccine vô hoạt. Vaccine nhược độc hiện nay chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.  

P.Hậu

Virus gây bệnh tai xanh không gây bệnh cho người

Bạn đọc ngocdungtran (nữ, 25 tuổi, quận 7, TPHCM) thắc mắc: Khi đi chợ, làm sao phân biệt thịt heo bị bệnh tai xanh và heo không bị bệnh; BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết: Tốt nhất là mua thịt đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y và chọn loại còn tươi sống, với việc xem màu thịt, mùi... Khi chế biến, nên đun nấu kỹ, đạt tới 700C ở trung tâm khối thịt trong 3 phút.

Về thông tin có người mua thịt heo ở chợ về chế biến, sử dụng, sau đó da ở cổ và tay nổi lấm tấm đỏ, nghi ngờ mắc bệnh heo tai xanh, BS Nguyễn Đắc Thọ nghi đó là dị ứng bình thường. Nếu bị dị ứng sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó, lần sau không nên sử dụng loại thực phẩm đó nữa. 

Trước mối lo của bạn tranthilan (nữ 39 tuổi, lantranccn@gmail.com): Không loại trừ vì vụ lợi hoặc thiếu kiến thức phân biệt thịt lành - thịt bệnh, nên nhà hàng, quán ăn mua nhầm và chế biến thịt heo bệnh tai xanh, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, nhận định, các nhà hàng, quán ăn có sử dụng sản phẩm động vật, đều phải chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm đó qua kiểm tra, kiểm soát của ngành thú y bằng giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu sử dụng các sản phẩm mà không chứng minh được nguồn gốc, đều bị buộc tiêu hủy…

Ông khẳng định, virus tai xanh không lây cho người, mà chỉ lây cho gia súc.

C.Phiên - T.Lâm

  • Thông tin liên quan:

- Người dân hoàn toàn an tâm với thịt heo đã qua kiểm dịch

Tin cùng chuyên mục