Chống dịch như chữa lửa!

Chống dịch bằng... tay không
Chống dịch như chữa lửa!

Chiều 13-8, tại cuộc họp khẩn cấp về phòng chống dịch heo tai xanh với 30 tỉnh thành phía Nam, Cục Thú y cho biết, dịch heo tai xanh đã lây lan nhanh thời gian qua. 21 tỉnh có dịch và đang có xu hướng lây lan mạnh các tỉnh phía Nam, sau khi bùng phát các tỉnh phía Bắc trước đó. Tại buổi giải lao giữa cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng các sở ngành tổ chức ăn thịt heo đã qua chế biến để khuyến khích người tiêu dùng không tẩy chay thịt heo sạch.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (bìa trái) và các đại biểu ăn thịt heo bên lề Hội nghị Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch heo tai xanh khu vực phía Nam. Ảnh: C.THĂNG

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (bìa trái) và các đại biểu ăn thịt heo bên lề Hội nghị Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch heo tai xanh khu vực phía Nam. Ảnh: C.THĂNG

Chống dịch bằng... tay không

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ngày 12-8, tỉnh công bố dịch ở cấp huyện, nhưng vài hôm nữa sẽ đến cấp tỉnh. Tình hình này cũng diễn ra tương tự ở nhiều tỉnh thành khác. Dịch heo tai xanh diễn ra 3 năm nay, đã sử dụng hết cách nhưng vẫn không hiệu quả, cần tính tới vaccine. Bộ NN-PTNT cần có ý kiến vấn đề này, sử dụng thế nào. Dù hiệu lực của vaccine còn hạn chế nhưng phải tiêm. Nếu chết thì tiêu hủy, để có cơ sở rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần hơn là bó tay.

Đồng tình ý kiến này, tỉnh Đồng Nai, nơi có đàn heo tập trung vào loại lớn nhất nước cho rằng, phải có giải pháp về vaccine, vì phòng chống dịch bệnh bằng vaccine là biện pháp căn cơ.

Tỉnh Quảng Nam cho biết đã bị heo tai xanh từ năm 2007, có kinh nghiệm phòng chống dịch (tiêu hủy, chôn, phun thuốc, kiểm soát vận chuyển…) nhưng vẫn phập phồng lo sợ. Quảng Nam đề nghị Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học mạnh dạn thử nghiệm tìm ra vaccine phù hợp. Hiện nay, việc chống dịch hoàn toàn bị động. Trước đây, chúng ta phòng chống cúm gia cầm, lở mồm long móng đều có vaccine, nhưng với heo tai xanh lại tay không, chưa có công cụ nào.

Phun thuốc phòng chống dịch heo tai xanh trên tuyến quốc lộ 1. Ảnh: T.L.

Phun thuốc phòng chống dịch heo tai xanh trên tuyến quốc lộ 1. Ảnh: T.L.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, 91% heo tai xanh xảy ra ở đàn heo nhỏ lẻ trong dân. Trong khi đó, ở trại chăn nuôi tập trung, số lượng lớn, nhờ áp dụng đầy đủ các biện pháp nên đến nay vẫn cầm cự được. Do vậy, cũng như phòng chống cúm gia cầm, cần phải nâng cao tổng đàn trong một trại lên. Tuy nhiên, cần phải nhập sớm vaccine.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, hiện nay gần như tay không chống dịch. Do vậy phải nhanh chóng nhập khẩu vaccine từ Trung Quốc, thử nghiệm tính năng từng loại, từ đó có căn cứ để quyết định. Những vaccine khảo nghiệm vừa qua hiệu quả không cao.

Ưu tiên chống dịch hay tiêu thụ heo?

* Ngày 13-8, UBND TPHCM có văn bản về việc tăng cường hỗ trợ mua heo thịt và tiêu thụ sản phẩm thịt heo trên địa bàn TPHCM. TP giao Sở Công thương phối hợp Sở NN-PTNT và sở ngành chỉ đạo các tổng công ty, DN kinh doanh, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Tập trung mua đàn heo thịt an toàn dịch bệnh đang tồn đọng, kể cả các cơ sở chăn nuôi của DN, tăng cường tiêu thụ sản phẩm thịt heo an toàn ở TP. Chủ động mua, chế biến và có kế hoạch dự trữ sản phẩm thịt, nhằm đảm bảo dự trữ đủ nguồn hàng, góp phần cân đối cung cầu thực phẩm thịt gia súc sau dịch.

Một trong những yếu tố quyết định để hạn chế lây lan nhanh là phải phát hiện sớm. Mặt khác, việc hỗ trợ thống nhất và phù hợp sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm khi heo có triệu chứng. Ngoài ra, cần phải xây trạm giám sát tại thôn, ấp. Vấn đề này, TPHCM có nhiều kinh nghiệm khi dịch cúm gia cầm xảy ra, TP đã xây dựng ngay lực lượng tại cơ sở để giám sát.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng, chống dịch như chữa lửa. Nếu việc hỗ trợ giá không phù hợp dẫn đến tình trạng bán chạy dịch. Đây là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn nữa. Những tỉnh có mức giá hỗ trợ 25.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường, bà con tình nguyện báo cáo để được hỗ trợ.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cung cấp số liệu đáng chú ý. Từ 28-7 đến 10-8, Chi cục Thú y TPHCM lấy ngẫu nhiên trên đàn heo các tỉnh đưa về TP có kết quả: 20/20 mẫu từ Bến Tre, 16/20 mẫu từ Bình Phước, 17/19 mẫu từ Đồng Nai, 8/8 mẫu từ Tây Ninh, 25/57 mẫu từ Tiền Giang đều nhiễm dịch heo tai xanh… Với tình hình này, mức độ lây lan ngày càng tăng sẽ gây áp lực rất lớn đối với TPHCM.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, dịch bệnh đang diễn ra rất nghiêm trọng, gây tác hại lớn. Có cơ sở để nói rằng, virus gây bệnh ở đàn heo các tỉnh phía Nam cũng là virus gây dịch heo tai xanh ở phía Bắc (chủng Trung Quốc). Đó là virus có độc lực cao, lây lan nhanh… Do vậy, tất cả các tỉnh, kể cả chưa có dịch phải huy động tất cả lực lượng để ứng phó dịch heo tai xanh.

Công Phiên


Heo sạch vạ lây

Sau một tháng xuất hiện tại Tây Nguyên, dịch heo tai xanh đã lây lan khá nhanh khiến thị trường thịt heo tại các tỉnh này ế ẩm.

Heo tai xanh lan nhanh

Sau hơn một tháng xuất hiện, dịch heo tai xanh tại tỉnh Đắc Lắc đã lan ra 3 huyện Krông Pắc, Ea Kar, Ea Súp và TP Buôn Ma Thuột. Hiện toàn tỉnh đã có 40.000 con heo bị dịch. Trong đó, huyện Ea Kar là địa phương bị dịch nặng nhất với khoảng 30.000 con heo tại 177 thôn, buôn bị bệnh. Còn tại Lâm Đồng, dịch bệnh xuất hiện tại huyện Cát Tiên từ cuối tháng 7, sau đó lan nhanh đến 11/12 xã, thị trấn của huyện này.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan huy động lực lượng và phương tiện trực chiến dập dịch.

Mặc dù vậy, sau nửa tháng phát dịch, số lượng heo mắc bệnh tại huyện Cát Tiên đã lên gần 5.000 con. Trong đó, một số xã như: Gia Viễn, Tiên Hoàng và Phước Cát 1 đang có nguy cơ tăng nhanh. Dịch heo tai xanh cũng đã uy hiếp đến một số xã thuộc huyện Bảo Lâm và Đạ Tẻh.

Heo sạch ế ẩm

Do người dân đang rất e ngại nên thịt heo tại các tỉnh này ế ẩm. Tại huyện Cát Tiên, từ 2 tuần nay việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán heo và thịt heo đã bị cấm. Các quầy sạp trong chợ Cát Tiên và các xã đều trống không. Chỉ còn xã duy nhất là Đồng Nai Thượng chưa phát dịch, được sử dụng thịt nhưng các đường vận chuyển về xã này đã bị phong tỏa.

Ế khách, người bán thịt heo tại chợ Đà Lạt ngủ gật tại quầy. Ảnh: NAM VIÊN

Ế khách, người bán thịt heo tại chợ Đà Lạt ngủ gật tại quầy. Ảnh: NAM VIÊN

Tại Đà Lạt, mặc dù cách xa địa bàn có dịch bệnh hơn 200km nhưng người dân bắt đầu ngại sử dụng thịt heo. Tại chợ Đà Lạt vào ngày 13-8 số lượng khách đến các quầy thịt heo hết sức thưa thớt. Người bán thịt ngán ngẩm ngồi tán chuyện hoặc… ngủ gật. Chị Nhung, một người bán thịt tại chợ Đà Lạt cho biết, khoảng một tuần nay, lượng thịt bán ra giảm khoảng 50%. Mặc dù thịt heo được lấy từ lò giết mổ gia súc tập trung và có dấu kiểm dịch nhưng các bà nội trợ vẫn ngại dùng.

Tại huyện Ea Kar có đến 80% lò mổ đóng cửa, sức tiêu thụ ở các chợ cũng giảm đến 80% và rất nhiều chợ không còn thấy bóng dáng thịt heo.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Gái, một tiểu thương bán thịt heo tại chợ Xóm Mới, TP Nha Trang cho biết, bình thường mỗi ngày bán khoảng 3 - 4 con heo thịt, nhưng gần 1 tháng nay chỉ bán được nửa con và đang trên đà giảm.

Trước tình hình này, nhiều tiểu thương đã kiến nghị lên Chi cục Thú y, TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa xin ngừng buôn bán thịt heo tại chợ. Các tiểu thương cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết thêm về dịch bệnh heo tai xanh. Vì hiện nay, tuy bán thịt đã qua kiểm dịch và được xác nhận heo sạch nhưng không ai mua. Các tiểu thương kêu trời vì thịt heo ế ẩm, dẫn đến lỗ nên không thể tiếp tục buôn bán.

N.Viên – C.Hoan – V.Ngọc

Quảng Trị: Cứu hơn 1.000 con heo vùng dịch

Ngày 13-8, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, sau hơn 1 tháng bùng phát dịch heo tai xanh tại 2 xã Triệu Tài và Triệu Hòa (huyện Triệu Phong) đến nay đã quá 21 ngày địa phương không phát hiện thêm ổ dịch mới. Quảng Trị không tiến hành tiêu hủy 100% đàn heo tại vùng xảy ra dịch mà lập chốt khoanh vùng, cử cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ, giúp nông dân tiêu độc khử trùng, chữa trị đàn heo mắc bệnh. Nhờ đó, Quảng Trị đã cứu chữa được hơn 1.000 con heo mắc bệnh nằm trong vùng dịch không phải tiêu hủy như những đợt dịch trước.

V.Thắng

* Thông tin liên quan:

>> Dịch heo tai xanh đã lan ra 21 tỉnh, thành

>> “Chạy dịch” heo bệnh

Tin cùng chuyên mục